Quy hoạch Điện VIII: Bổ sung nguồn cần tính toán tổng hoà cân bằng phụ tải Chi tiết cơ cấu nguồn điện Việt Nam theo Quy hoạch điện VIII |
Cơ hội để Việt Nam giảm phát thải CO2
Sau khoảng thời gian dài phải điều chỉnh cho phù hợp tình hình biến động của thế giới, vào giữa tháng 5-2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Chính phủ phê duyệt. Điểm nổi bật của quy hoạch lần này về nguồn điện là tỷ trọng của điện than giảm mạnh và tỷ trọng điện khí, năng lượng tái tạo gia tăng.
Cụ thể, về điện than, Quy hoạch điện VIII chính thức loại bỏ khoảng 13.220MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép ở mức thấp 2% giai đoạn 2021-2030 sau đó giảm về 1% giai đoạn 2030-2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
Phối cảnh nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 . Ảnh PV Power |
Trái ngược với điện than, nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện.
Trong giai đoạn 2030-2050, phát triển điện khí sẽ chậm lại, đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất vào năm 2050.
Trong khi đó, điện gió dự kiến sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn với điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2021-2030 và 6% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng dự kiến phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi từ nay đến năm 2030, sau đó sẽ tăng trưởng 15% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.
Riêng điện mặt trời dự kiến sẽ hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt trong năm 2020-2021. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng khiêm tốn trong giai đoạn 2021-2030 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030-2050, chiếm 33% tổng công suất.
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội cho những ngành công nghiệp, dịch vụ mới phát triển, tạo nền tảng cho Việt Nam tăng trưởng xanh, giảm phát thải thì Quy hoạch điện VIII cũng mang lại không ít thách thức đối với Chính phủ Việt Nam và nền kinh tế.
Ông Mai Văn Huyên – Giám đốc Trung tâm Phát triển xanh (GreenDC) chia sẻ: Quy hoạch điện VIII được thực hiện trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu hướng chung của toàn cầu. Việt Nam cũng đã tham gia thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến 2050, gồm các công trình liên kết lưới để xuất nhập khẩu điện với các nước.
Quy hoạch ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 31-39% vào 2030 và có thể tăng lên 47% cùng các điều kiện cam kết theo tuyên bố chính trị về thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Tỷ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng lên 67,5-71,5% vào 2050.
Cùng với đó là tạo cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành điện ở Việt Nam, đặc biệt là các nguồn đầu tư quốc tế và khu vực tư nhân.
Nhiệm vụ nhiều thách thức
Bên cạnh những cơ hội trên, ông Mai Văn Huyên cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Việc thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển điện tăng lên 399 - 523 tỷ USD vào 2050, trong đó trên 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải.
Cùng với đó là sự đồng bộ và kịp thời của các văn bản hướng dẫn. Bởi theo ông Mai Văn Huyên, Quy hoạch điện VIII ưu tiên chuyển dịch năng lượng, sẽ tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới, trong khi chúng ta còn thiếu các hành lang pháp lý cho những lĩnh vực này . Do đó, cần xây dựng lộ trình để ban hành các văn bản làm cơ sở pháp lý và chính sách, cơ chế cho những lĩnh vực mới này
Năng lực thực hiện là một trong những vấn đề cần quan tâm. Nhiều lĩnh vực còn khá mới mẻ nên cần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, áp dụng công nghệ, vận hành trong chuỗi giá trị các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, hydrogen.
Ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Bộ Công Thương đã gấp rút triển khai thực hiện |
Cũng giống như quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII (triển khai từ 2019) trước đó, trong thời gian qua, với vai trò đầu mối, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII sau khi được phê duyệt. Khối lượng công việc là rất lớn và nặng nề, trong khi tiến độ chỉ còn 7 năm.
Theo ông Huyên, việc phê duyệt Quy hoạch VIII mới chỉ là khởi đầu và chúng ta vẫn đang ở vạch xuất phát.
“Để thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương có vai trò rất quan trọng. Chính phủ giao Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành hoàn thiện và trình Chính phủ Luật Điện lực sửa đổi và Luật về năng lượng tái tạo để trình Quốc hội trong năm 2024. Bộ Công Thương cũng được giao trình Chính phủ ban hành các chính sách về mua bán điện trực tiếp; làm việc với các chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các dự án đang gặp khó khăn trong triển khai”- Ông Mai Văn Huyên khẳng định.
JETP chỉ là bước đầu, Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn thế
Chương trình Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được ký ngày 14/12/2022. Thỏa thuận Đối tác này sẽ giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Chuyển dịch năng lượng đang là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam về vốn, công nghệ và năng lực sản xuất hydrogen xanh |
Cũng theo ông Mai Văn Huyên, việc đảm bảo việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch là “công bằng” là trọng tâm của JETP. Giải pháp khả thi khi phải giảm bớt nhiên liệu hóa thạch, điện than là thúc đẩy triển khai nhanh năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Như vậy, cần phải tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn, đòi hỏi lượng vốn rất lớn đầu tư cho hệ thống lưới truyền tải, hạ tầng công nghệ điều độ hệ thống, công nghệ AI, phát triển công nghệ về dự trữ năng lượng.
Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong ba đến năm năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. Cùng các khoản vay quốc tế, bảo lãnh và tài chính tư nhân sẽ giúp tăng quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời các khoản tài trợ không hoàn lại (hoặc ưu đãi cao) có vai trò quan trọng hơn để giảm bớt tác động đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quá trình chuyển dịch năng lượng.
“JETP là bước đầu và Việt Nam sẽ cần nhiều chương trình hỗ trợ khác, cần huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng như các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải CO2”- ông Mai Văn Huyên nhấn mạnh.