CôngThương - Theo nhà kiểm toán hàng đầu Trung Quốc Liu Jiayi, đến cuối năm ngoái, số nợ địa phương tại nước này đã lên tới 1.700 tỷ USD, chiếm khoảng 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); và cần thiết phải có những quy định hiệu quả hơn để quản lý rủi ro về nợ.
“Quản lý tài chính ở một số địa phương đang ở trong tình trạng lộn xộn. Cả khả năng sinh lời lẫn trả nợ đều rất yếu ớt”, ông Liu phát biểu.
Bản báo cáo được công bố hôm qua tương tự với một cảnh báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra vào đầu tháng. Ngân hàng này cho biết cuối năm ngoái, nợ tại địa phương của Trung Quốc đã chiếm tới 30% GDP, tức khoảng 2.200 tỷ USD, cao hơn nhiều so với dự tính.
Theo khảo sát trên, các địa phương đã thành lập 10.000 công ty đầu tư để vay tiền từ ngân hàng nhà nước, chủ yếu để phục vụ cho các dự án cơ sở hạ tầng tham vọng. Trung Quốc không cho phép các địa phương phát hành trái phiếu để bơm tiền cho các dự án. Vì đa số là khoản vay ngoại bảng sử dụng đất công hay tài sản nhà nước để thế chấp, nên số nợ càng khó truy ra hoặc định lượng. Ngoài ra, thường thì các dự án đường xá, cầu, hầm, tàu điện ngầm cũng không thu về đủ lãi để trả nợ.
Trong báo cáo, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cho biết họ đã phát hiện được nhiều hoạt động không minh bạch. Chẳng hạn, nhiều địa phương đang sử dụng thế chấp ảo hoặc bất hợp pháp để đi vay. Một lượng tiền vay được lại đổ vào thị trường chứng khoán và nhà đất.
Bản báo cáo được công bố vào thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển quá nóng. Bắc Kinh đang tiến hành siết chặt cho vay ngân hàng nhằm hãm lại đà phát triển, kiềm chế lạm phát và giá nhà đất.
Nhiều nhà phân tích cũng bi quan về tình hình kinh tế Trung Quốc. Một số người đã hạ dự báo tăng trưởng và đánh tụt hạng của các ngân hàng nước này do lo ngại một làn sóng nợ xấu đi kèm với nợ tại các địa phương.
Tuần trước, chuyên gia phân tích Charlene Chu của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết sức tăng trưởng của Trung Quốc gần đây đã trở nên quá phụ thuộc vào việc tín dụng được nới lỏng. Chuyện “tiền nong dễ dãi” đó càng thổi bùng lạm phát và bong bóng bất động sản.
Ngoài ra, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể phơi bày số nợ khổng lồ trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, nhiều vấn đề có liên quan chặt chẽ tới gói kich thích kinh tế Bắc Kinh đưa ra hồi cuối năm 2008 và một làn sóng cho vay ồ ạt được nhà nước hậu thuẫn trong năm 2009 và 2010.
Jim Antos, chuyên gia phân tích ngân hàng của Mizuho Securities Asia, nói rằng nếu cho điểm từ 1 đến 10 về mức độ nguy hiểm trong hệ thống ngân hàng mà Hy Lạp là 10 điểm thì Trung Quốc được 8. Kể từ tháng 12/2007 đến tháng 5/2011, các khoản nợ ngân hàng ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi. Ông Antos miêu tả đây như là một ví dụ kinh điển về bong bóng tín dụng.
Mặc dù ghi nhận mức gia tăng nợ tại nước này đã giảm một nửa xuống 15% trong vòng 2 năm qua, ông vẫn không mấy lạc quan về lượng cho vay trong thời gian đó. Năm 2010, vay ngân hàng của Trung Quốc đã vào khoảng 6.500 USD một người, trong khi GDP chỉ là 4.400 USD một người.
Ông Antos cảnh báo nợ xấu, vốn hiện chiếm 1% trong tổng nợ, sẽ gia tăng trong thời gian tới: “Một số chuyên gia ước tính nợ xấu có thể chiếm tới 6%, 10% hay thậm chí 15% tổng nợ trong vòng vài năm tới. Tuy những suy đoán trên đều phóng đại và thiếu thực tế, nhưng nợ xấu chắc chắn sẽ nảy sinh trong lĩnh vực này trong vài năm tới, có thể sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tiếp theo.”
Theo ông, tỷ lệ vốn cấp I của các ngân hàng Trung Quốc không chênh lệch nhiều so với số vốn mà lãnh đạo các ngân hàng trên thế giới yêu cầu tăng gần đây. Song, các ngân hàng ở đại lục không nắm đủ vốn trong tay để đối phó với những rủi ro họ chuốc lấy.
Theo David Marshall – chuyên gia phân tích cao cấp của Asia-Pacific Financials CreditSights, dù tốc độ gia tăng nợ đã chậm lại, nhưng hệ quả của việc nền kinh tế phát triển quá nóng của Trung Quốc là các ngân hàng phải vật lộn để tạo ra đủ vốn đáp ứng nhu cầu thị trường.