Tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) nêu quan điểm: Cần nghiên cứu kỹ về độ tuổi nghỉ hưu của đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội, tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Tổ (Ảnh: quochoi.vn) |
Phát biểu phiên thảo luận tại Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là dự án luật đầu tiên thể hiện tư duy đổi mới, theo đó, trong luật chỉ quy định quân hàm từ thượng tướng trở lên còn trung tướng trở xuống giao Quân ủy Trung ương và Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội.
“Trong bối cảnh hiện nay các vấn đề chuyển đổi rất nhanh nếu quy định chi tiết quá sẽ rất vướng trong quá trình thực hiện, vì vậy sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là luật đầu tiên đánh dấu thực hiện tư tưởng đổi mới, luật chỉ quy định những vấn đề lớn, những vấn đề còn lại giao Chính phủ, cấp có thẩm quyền phù hợp quy định…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích nhiều nội dung cụ thể được quy định tại dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát 17 chức vụ cơ bản, chức danh tương đương để tránh bỏ sót; hiệu lực của Luật nên quy định thống nhất 1 hiệu lực thi hành chung;… Bên cạnh đó, đối với quy định về nhà ở xã hội đối với lực lượng vũ trang về nguyên tắc là Bộ Quốc phòng nhưng phải phù hợp với pháp luật, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở,… do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo luật cần rà soát thể hiện phù hợp; đảm bảo tính khả thi.
Phát biểu thảo luận tại tổ 4, đại biểu Nguyễn Văn Thuận – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, cần đánh giá bổ sung cơ sở thực tiễn công tác của sĩ quan ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt để có chính sách đặc thù về quân hàm, phụ cấp và nghỉ hưu cho phù hợp với sức lao động.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Thu Hường) |
“Đề nghị cần tăng cấp úy và cấp tá, cấp tướng thêm từ 1-2 tuổi là phù hợp, để tạo thêm tính tương đồng quy định về hạn tuổi phục vụ của sỹ quan trong lực lượng vũ trang (gồm quân đội nhân dân và công an nhân dân) giữa hạn tuổi của sỹ quan Quân đội nhân dân với sỹ quan phục vụ tại ngũ trong Công an nhân dân. Nhất là đối với cấp tướng có thể quy định theo hướng tăng tuổi để đảm bảo tính tương thích với Bộ Luật Lao động và Luật Công an nhân dân hiện hành”- đại biểu Nguyễn Văn Thuận góp ý.
Nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho biết: Tôi hoàn toàn đồng ý với khoản 1 Điều 13 của Dự thảo Luật sử đổi về hạn tuổi cao nhất của sỹ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm.
Theo đại biểu, điều này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại và trước tác động của các yếu tố an ninh truyền thống, phi truyền thống cần phải giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe; việc điều chỉnh nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ để sĩ quan có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, nhất là số cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đào tạo chuyên sâu, đặc thù; đồng thời giảm áp lực đào tạo cán bộ nhưng phải phù hợp tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của Quân đội.
Đại biểu Ma Thị Thúy- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Thu Hường) |
Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%; nếu không nâng độ tuổi cho sĩ quan, nhất là cấp Trung tá trở xuống thì hầu hết khi nghỉ hưu sĩ quan không đủ điều kiện để hưởng 75% lương. Vì vậy, nâng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan vừa để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, vừa là thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm từ cấp úy đến cấp đại tá. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về giới tính. Đội tuổi phục vụ tại ngũ đối với nam và nữ cần có sự khác nhau.
Đối với hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ đối với cấp tướng là 60 tuổi (theo quy định hiện hành thì nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Tiến, quy định như vậy là chưa hợp lý. Bởi việc tăng độ tuổi chưa bảo đảm tính tương quan cho các chức vụ sĩ quan, nam cấp tướng không tăng hạn tuổi, nữ tăng 5 tuổi. Tại khoản 2, Điều 169 Bộ luật Lao động quy định độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện bình thường, đối với nam khi đủ 62 tuổi, đối với nữ khi đủ 60 tuổi. Vì vậy, đề nghị xem xét và chỉnh sửa theo hướng: Cấp tướng đối với nam đủ 62 tuổi và cấp tướng đối với nữ đủ 60 tuổi.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn BQH tỉnh Trà Vinh (Ảnh:quochoi.vn) |
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, thực tiễn hiện nay có những sĩ quan ở cấp bậc trung và cao cần giữ vị trí quan trọng mà không có người thay thế phù hợp. Vì vậy, việc xem xét kéo dài tuổi phục vụ cho một số chức vụ đặc thù là cần thiết. “Ở nhiều quốc gia có quân đội phát triển, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cũng có sự phân hóa theo cấp bậc, nhưng thường sẽ linh hoạt hơn cho các cấp cao như Đại tá hoặc cấp Tướng nếu sĩ quan đó có sức khỏe tốt và đóng góp đặc biệt. Vì vậy, việc quy định tuổi nghỉ hưu cố định cho các cấp bậc cao nhất có thể gây hạn chế trong việc tận dụng kinh nghiệm của các sĩ quan kỳ cựu”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.
Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị cần xem xét mở rộng thêm 1-2 năm cho một số cấp bậc như Đại tá và cấp Tướng, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Điều này có thể linh hoạt hơn trong tình huống quốc gia cần các sĩ quan có kinh nghiệm dẫn dắt và điều hành. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng trong dự thảo Luật dựa trên các yếu tố về đặc thù công tác, sức khỏe, yêu cầu nhiệm vụ của từng quân, binh chủng và những lợi ích mà chính sách này có thể mang lại cho lực lượng quân đội.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng (Ảnh: Thu Hường) |
Còn theo đại biểu Nguyễn Minh Quang – Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng: Trên cơ sở thực tiễn, cơ sở chính trị đã có đề xuất để sửa đổi một số nội dung của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, riêng các nội dung liên quan các độ tuổi, trước mắt giải quyết liên quan Luật Lao động để người lao động có đủ thời gian để hưởng tỷ lệ lương hưu 75%, nâng độ tuổi cấp úy từ 46 lên 50 tuổi... Đơn cử như cấp tá hiện 48 tuổi đã nghỉ hưu, nếu tuổi nhập ngũ từ 18 tuổi, như vậy mới được 30 năm công tác, chưa đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội 75% và số này chủ yếu công tác ở cơ quan quân sự huyện và tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý tại phiên thảo luận ở Tổ (Ảnh: Thu Hường) |
Góp ý tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cơ bản tán thành sự cần thiết kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Đồng thời, nhấn mạnh việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐNDVN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng QĐNDVN tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐNDVN vào ngày 05/11 tới.