Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại đang xây dựng lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội thời gian qua. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc có một thông tư quy định về phân loại và quản lý một số hạ tầng thương mại là rất cần thiết |
Hiện một số quốc gia cũng có những quy định về quản lý hạ tầng thương mại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Theo ông, việc có một Thông tư quản lý hạ tầng thương mại có cần thiết không?
Theo tôi, việc có một thông tư quy định về phân loại và quản lý một số hạ tầng thương mại là rất cần thiết. Điều này cũng đã được một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện.
Việc phân loại và quản lý phù hợp, hiệu quả sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển một số loại hình thương mại, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh của hàng hoá trong nước.
Về Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại đang lấy ý kiến thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Thông tư này?
Qua theo dõi báo chí và tìm hiểu về thông tư tôi cũng nhận thấy còn những điều chưa hợp lý trong Dự thảo Thông tư mà Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương nêu ra.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây mới là dự thảo, đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, nên Bộ Công Thương vẫn còn rất nhiều thời gian để tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, chỉnh sửa, hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay.
Theo ông, Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại nên xây dựng theo hướng nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Theo tôi, để Thông tư đem lại hiệu quả cao nhất và phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, Bộ Công Thương chỉ nên xây dựng theo hướng khung thay vì đặt ra những tiêu chuẩn cứng nhắc.
Bởi Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng thương mại của các địa phương là không giống nhau, Hà Giang, Bắc Kạn, Cà Mau thì không thể so sánh chung với Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh được, nếu đưa ra những tiêu chuẩn cứng nhắc quá sẽ khó có thể áp dụng được với tất cả các địa phương.
Nên thay vì cứng nhắc, chúng ta nên có sự linh hoạt để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng của từng địa phương đó. Đây cũng là cách để Thông tư được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống và có tác động tích cực đối với sự phát triển của hoạt động thương mại nội địa.
Trước những phản ánh của dư luận về Dự thảo Thông tư trên, đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Theo ông, đây có phải là thành công đối với một văn bản pháp luật đang xây dựng và trong quá trình hoàn thiện không?
Tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị và hợp tác của Vụ Thị trường trong nước nói riêng và Bộ Công Thương nói chung trong xây dựng và hoàn thiện văn bản. Theo tôi, Dự thảo Thông tư đang trong qúa trình xây dựng và xin ý kiến nên không trách khỏi những vấn đề còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, tuy nhiên quan trọng là sau khi được góp ý, chúng ta sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện như thế nào để đem lại lợi ích cho nền kinh tế, đó mới là vấn đề quan trọng và mang lại thành công trong quá trình hoàn thiện văn bản pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!