Một số ý kiến cho rằng, sở dĩ quá trình tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn là do thiếu sự điều phối của một “nhạc trưởng”. Việc dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn tái cơ cấu kinh tế quốc gia, theo ông liệu có khắc phục được hạn chế này?
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở GDCK Hà Nội |
Giai đoạn tới, cần có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn để thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Đây là một trong những hướng đi quan trọng để thị trường vốn san sẻ gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp với hệ thống ngân hàng, từ đó tiến tới phân định tương đối rõ nét như thông lệ quốc tế là thị trường vốn chịu trách nhiệm cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp, còn hệ thống ngân hàng chỉ cung cấp nguồn vốn ngắn hạn.
Nguồn vốn đầu tư (thông qua TTCK) và nguồn vốn tín dụng có những đặc điểm khác nhau, nên việc các ngân hàng phải đảm đương cả nhiệm vụ tài trợ vốn dài hạn cho nền kinh tế như hiện nay đang làm gia tăng rủi ro cho chính hệ thống ngân hàng, cũng như nền kinh tế và doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, những quốc gia có nền kinh tế dựa nhiều vào thị trường vốn thường vận hành năng động hơn, thích ứng tốt hơn với các cú sốc kinh tế, có khả năng tự điều chỉnh và phục hồi tốt hơn, đồng thời có văn hóa quản trị công ty tốt.
Để phân định tương đối rạnh ròi về chức năng cung cấp vốn giữa TTCK và hệ thống ngân hàng như trên, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của TTCK, theo ông cần định hướng chính sách như thế nào?
Đầu tiên là phải tiếp tục các nỗ lực tăng cung cho TTCK cả về chất lượng và số lượng. Về chất lượng, cần coi trọng nâng cao chất lượng quản trị công ty, minh bạch tài chính, cải thiện hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp… Về số lượng, cùng với gắn chặt hơn quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với việc niêm yết trên sàn, cần có các chính sách để nhiều đối tượng doanh nghiệp lên sàn, đáp ứng khẩu vị rủi ro đa dạng của nhà đầu tư.
Do TTCK Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, nên để bảo vệ nhà đầu tư, hệ thống chính sách được thiết kế theo hướng các doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện về quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh…, thì mới được phép lên sàn, phát hành tăng vốn. Chính điều này đang hạn chế sự gia tăng quy mô của TTCK. Kinh nghiệm ở các thị trường phát triển, chẳng hạn Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, nhiều đối tượng doanh nghiệp được lên sàn và huy động vốn từ đại chúng. Họ còn có sàn giao dịch của các công ty khởi nghiệp, để vừa đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro khác nhau.
Để hấp thụ tốt nguồn cung tăng lên, cần có những giải pháp để tăng sức cầu trong giai đoạn tới, thông qua việc đốc thúc các nỗ lực thực hiện nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi; có cơ chế khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhất là các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đại chúng, quỹ hưu trí… Cũng cần khắc phục sự khác biệt về công bố thông tin; chuẩn minh bạch thông tin về tài chính theo chuẩn kế toán và kiểm toán quốc tế, cơ chế giao dịch… để nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng, những điểm quan trọng này không có sự khác biệt giữa TTCK Việt Nam với các thị trường khác trên thế giới, từ đó thu hút họ rót vốn vào Việt Nam.
Để kết nối hiệu quả cung- cầu, có phải vai trò của các tổ chức trung gian tài chính cũng cần được nâng tầm tương xứng?
Đúng vậy, điều này đòi hỏi quá trình tái cơ cấu các tổ chức trung gian tài chính, nhất là công ty chứng khoán cần diễn ra nhanh và hiệu quả, để giảm bớt các “cửa hàng nhỏ lẻ”, qua đó hình thành các “siêu thị” lớn cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ như: tư vấn tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp và niêm yết, tư vấn M&A, môi giới, đầu tư…