Bất ngờ bị Interpol bắt giam khi dự hội chợ ở Bỉ
Hồi ký “Tù binh thương trường” kể về sự kiện doanh nhân Nguyễn Phước Bửu Huy (tên thường gọi: Bửu Huy) đã bị Interpol Bỉ bắt khi tham dự Hội chợ Thủy sản châu Âu tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp cá Tra, cá Basa Việt Nam và doanh nghiệp cá Catfish Mỹ, đến nay vẫn chưa chấm dứt và còn gây ra nhiều cản trở, khó khăn cho việc mở rộng thị trường cá Tra tại Mỹ.
Hồi ký “Tù binh thương trường” |
Tác giả cuốn sách, doanh nhân Nguyễn Phước Bửu Huy là một trong những người thuộc thế hệ tiên phong, đã góp phần mở đường đưa sản phẩm cá Basa, cá Tra từ một loài cá bản địa vô danh trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, sự cạnh tranh khốc liệt của thương trường không thua kém gì trên chiến trường. Những rủi ro do sự cạnh tranh đó đã làm cho nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và người nuôi cá bao phen vất vả, khó khăn thăng trầm. Không ít người đã bị phá sản, vỡ nợ, phải bỏ trốn, thậm chí bị tù đày vì con cá Tra này. Trong số đó, doanh nhân Bửu Huy cũng đã chịu đắng cay khi bị Tòa án Mỹ cáo buộc nhầm lẫn về gian lận tên gọi sản phẩm, để rồi phải bị bắt như một “tù binh” và bị giam giữ 134 ngày trong nhà tù Vương quốc Bỉ.
Tác giả Nguyễn Phước Bửu Huy là một trong những người tiên phong đưa sản phẩm cá Basa, cá Tra trở thành sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam |
Hồi ký nói rõ những sự kiện dẫn đến “cuộc chiến thương mại” mà đỉnh điểm là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (US.DOC) đã áp Thuế Chống bán phá giá (CBPG) lên sản phẩm fillet cá Tra vào đầu năm 2003.
Tác giả Bửu Huy chia sẻ: “Trong tiến trình hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh, đấu đá nhau trong thương trường cũng giống như trên chiến trường. Thay vì cuộc chiến bằng súng đạn, tuy không đổ máu, nhưng cuộc chiến thương mại giữa các doanh nghiệp cá Tra và cá Catfish cũng không kém phần quyết liệt. Hiệp hội cá Catfish Mỹ đã tung ra những đòn tấn công liên tục nhắm vào đối phương để bảo vệ quyền lợi của họ. Viện nhiều lý do, nào là cá nuôi trong môi trường dơ bẩn, nào là giành độc quyền tên gọi catfish, cho đến việc kiện tụng pháp lý mang tính chính trị, CFA viện cớ rằng Việt Nam không phải là nền kinh tế thị trường để cáo buộc các doanh nghiệp cá Tra bán dưới giá thành sản xuất, gây thiệt hại vật chất cho họ. Cuối cùng, US.DOC phải áp thuế chống bán phá giá một cách phi lý lên sản phẩm cá Tra. Từ đó, đã dẫn đến việc tôi bị cáo buộc nào là cố tình làm sai nhãn hiệu, nhằm trốn thuế CBPG và họ đã yêu cầu Interpol Bỉ bắt tôi làm “tù binh” trong cuộc chiến ấy. Lúc đó, câu chuyện không còn là một sự kiện cá nhân mà nó đã trở thành sự kiện được cả nước quan tâm vì đang trong thời kỳ đầu hội nhập kinh tế thế giới.”
Niềm tin thuế chống phá giá sẽ được xoá bỏ
Trong cuốn hồi ký, tác giả cũng đề cập những hệ lụy của chống bán phá giá tiếp tục kéo dài suốt 20 năm qua (2003 - 2023). Tuy thuế CBPG nay đã trở thành một thứ “thông lệ” của chủ nghĩa bảo hộ, nhưng nó vẫn còn tiếp tục là rào cản thương mại cho các doanh nghiệp cá Tra Việt Nam.
Hồi ký còn đề cập đến trách nhiệm bảo hộ công dân của nhà nước Việt Nam khi xảy ra sự kiện bắt giữ Bửu Huy tại Hội chợ Thủy sản quốc tế châu Âu. Đây là cuộc đấu tranh pháp lý cam go, quyết liệt trong bối cảnh Việt Nam bước đầu hội nhập với nền kinh tế thế giới từ những năm 2000.
Trong cuốn hồi ký, tác giả Nguyễn Phước Bửu Huy mong muốn một ngày không xa, “cuộc chiến thương mại” này sẽ đến hồi kết thúc. Chấm dứt việc áp thuế CBPG phi lý nói trên để thiết lập sự hợp tác thân thiện, bình đẳng giữa những người nông dân nuôi cá, các doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội cá Tra Việt Nam cùng với Hiệp hội cá Catfish Mỹ (Catfish Farmers of America - CFA) và các doanh nghiệp thủy sản Hoa Kỳ.
Trong cuốn hồi ký, tác giả nói về sự hòa giải cá Catfish – cá Tra, làm thế nào để Bộ Thương mại Hoa kỳ xóa bỏ thuế CBPG đã áp đặt lên cá Tra nhập khẩu vào Mỹ. Tác giả tin rằng điều này sẽ trở thành hiện thực khi tại buổi hội kiến với Tổng thống Joe Biden vào tháng 9 vừa qua, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn, một doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất thủy sản chất lượng cao sau khi đọc cuốn sách cũng tin chắc rằng cuộc chiến thương mại này rồi sẽ đến hồi kết thúc, để doanh nghiệp và người dân nuôi cá Đồng bằng sông Cửu Long được sản xuất, mua bán thuận lợi.
Nhà văn Nguyễn Huy Minh nhận định: “Chúng ta và thế hệ mai này: những doanh nhân, luật sư, nhà ngoại giao, nhà quản lý… hẳn đều cần biết ngã rẽ cuộc đời đầy kịch tính qua hồi ký của tác giả Nguyễn Phước Bửu Huy” |
Chia sẻ về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Huy Minh cho biết: “Mặc dù sự kiện này đã xảy ra trên 17 năm, nhưng sau khi đọc cuốn sách, tôi có cảm nhận như nó vừa mới xảy ra hôm qua vậy. Qua thời gian, những người liên quan đã có nhiều thay đổi, có người đã nghỉ hưu, đã quên lãng, và có người đã mất, nhưng tình cảm chân thành của tình người vẫn còn đọng lại nguyên vẹn trên từng trang sách. Đó là cái quý nhất mà tôi cảm nhận được. Tôi hy vọng bạn đọc cả nước cũng có cùng cảm nhận này khi đọc Hồi ký “Tù binh thương trường” của tác giả Nguyễn Phước Bửu Huy.”