Tự chủ bệnh viện - tránh lãng phí quỹ bảo hiểm y tế
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.
BHXH Việt Nam đề nghị cần có giải pháp nhằm tránh thất thoát quỹ BHYT |
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trước Phiên giải trình tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập cho biết, qua giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh; làm việc với một số bộ ngành Trung ương cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực như: 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ; người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao; nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ; các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu - chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cơ chế tự chủ cũng nổi lên một số vấn đề như: Văn bản hướng dẫn liên quan chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất; còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và dẫn đến bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)…
Bộ Y tế cũng cho biết, đến nay, 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu… Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Đặc biệt, các bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) rõ rệt. Cơ chế tự chủ đã giúp các cơ sở chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao để “móc túi” bệnh nhân được quan tâm đặc biệt. Theo giải trình của Bộ Y tế, cơ chế thị trường có hai mặt, trước hết là nó buộc các đơn vị tự chủ phải đầu tư trang thiết bị, giường bệnh, trả lương cao cho bác sĩ giỏi, nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút người bệnh. Mặt khác, vì mục đích tăng thu nên có xảy ra tình trạng lạm thu, như chỉ định sử dụng thuốc, kỹ thuật ngoài danh mục BHYT chi trả, kéo dài thời gian nội trú.
Trước những bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ bệnh viện, đối với đảm bảo kinh phí BHYT cho cơ sở KCB cũng như vấn đề kiểm soát, phòng chống trục lợi quỹ KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho hay, quan điểm của BHXH Việt Nam là ủng hộ vấn đề tự chủ không chỉ đối với bệnh viện tư nhân mà còn bệnh viện công lập. Cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Song, theo ông Phạm Lương Sơn, hiện mặt trái của cơ chế tự chủ là khiến các bệnh viện gia tăng chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB BHYT để tăng nguồn thu, như: các chỉ định kéo dài ngày điều trị nội trú, tăng chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng không phù hợp với tình trạng bệnh, chỉ định vào điều trị nội trú đối với các bệnh, nhóm bệnh không cần thiết.
Thậm chí, theo đại diện BHXH Việt Nam, tự chủ đã giảm được 11.000 tỷ đồng chi lương cán bộ y tế từ nguồn Ngân sách Nhà nước, nhưng toàn bộ nguồn chi này chuyển sang giá dịch vụ y tế và phần lớn do quỹ BHYT chi trả - tạo nên sức ép không nhỏ cho quỹ BHYT trong khi nhiều năm qua, tổng thu về quỹ hằng năm thấp hơn số chi hằng năm.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng nêu thêm bất cập, đó là thường xuyên có hiện tượng thu gom bệnh nhân ở một số bệnh viện tư và bệnh viện công, đặc biệt khối y học cổ truyền, phục hồi chức năng; cũng có hiện tượng chia tách dịch vụ y tế.
Trước thực trạng này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp BHXH có thêm chế tài hợp lý, giải quyết các vụ việc cụ thể. Bộ Y tế cần quy định định mức kinh tế kỹ thuật vật tư y tế bắt buộc thực hiện, vật tư có thể tiết kiệm, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng dịch vụ y tế hợp lý và có trách nhiệm giải trình khi để xảy ra vượt mức kinh phí được giao. Các bệnh viện cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để gửi dữ liệu KCB lên Hệ thống thông tin giám định BHYT đúng thời gian và hồ sơ chính xác theo quy định.