8 cán bộ này bị kỷ luật do đã có vi phạm trong việc định giá 10.000 sản phẩm nhập khẩu không đúng so với giá trị thực tế của hàng hóa vi phạm. Trị giá hàng hóa thu giữ vượt cao hơn mức định giá mà Cục QLTT tỉnh Đồng Nai đưa ra, dẫn đến bỏ lọt hành vi vi phạm.
Trước đó, vào năm 2021, Tổng cục QLTT cũng đã kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Danh, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Bình Định) vì có hành vi “vòi vĩnh” đòi “chung chi”. Vào năm 2020, Bộ Công Thương đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Vũ Mạnh Hải, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh do vi phạm trong thi hành công vụ.
Những sự việc trên cho thấy, lực lượng quản lý thị trường nói riêng, ngành Công Thương nói chung đã và đang nghiêm túc đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong nội bộ.
Tinh thần kiên quyết trong xử lý cán bộ quản lý thị trường sai phạm từng được thể hiện rất rõ trong lần Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh từng nhấn mạnh năm 2022 sẽ quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương, đạo đức công vụ. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đề cập đến "nỗi đau" của toàn lực lượng khi đã có 117 người bị kỷ luật, thậm chí khởi tố, tạm giam và đề nghị, muốn thay đổi hình ảnh của lực lượng thì không được phép xảy ra các vi phạm, nên cần có buổi sinh hoạt chính trị, đoàn kết nội bộ, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Nhấn mạnh vấn đề phải làm lành mạnh đội ngũ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Quản lý thị trường là lực lượng thực thi pháp luật, có quyền hạn và được phép xử lý trực tiếp, nên việc lực lượng này vi phạm pháp luật là "không thể chấp nhận được, dứt khoát phải xử phạt nặng hơn". Bộ trưởng yêu cầu cần thảo luận, xây dựng cơ chế, trong trường hợp đơn vị có cán bộ vi phạm thì người đứng đầu phải bị xử lý thế nào? Trong đó, có thể tính toán thay đổi vị trí công tác, giáng chức, cùng với xử lý theo quy định pháp luật. Trao quyền lớn nhưng không gắn liền với trách nhiệm tương xứng là không ổn.
Trong cuộc trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định: “Quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm, tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, gắn trách nhiệm người đứng đầu theo quy định người đứng đầu lực lượng thanh tra kiểm tra này mà vi phạm thì sẽ bị xử lý, hình thức đầu tiên là tạm đình chỉ hoặc chuyển vị trí công tác, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền để người dân tham gia giám sát, giúp đỡ lực lượng này.”
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội qua 3 năm thực hiện mô hình Tổng cục Quản lí thị trường có vướng mắc, chồng chéo hay không Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: “Việc quản lý theo mô hình dọc, thời gian đầu có hình thành tâm lý là người ở cơ quan trung ương nên có sự gắn kết với địa phương, do đó đã chủ động yêu cầu quản lý thị trường tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền vì 1 mình anh không làm được. Vì vậy chúng tôi nhất trí với đại biểu sẽ chấn chỉnh để có sự phối hợp tốt hơn, để không chỉ dưới chỉ đạo của Tổng cục mà phải cấp ủy chính quyền…Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua đã xử lý 100 cán bộ vi phạm, trong đó, có 6 - 7 người đứng đầu, cả về hành chính và hình sự. Bộ cũng chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát ngay trong lực lượng thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật kỷ cương, nhất là cán bộ quản lý thị trường hoạt động trực tiếp tại các địa bàn.
Nói về việc thi hành kỷ luật cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo: “Có những ý kiến sai lệch, cho rằng do cơ chế, vậy tại sao vẫn cơ chế đó mà chỗ khác người ta làm tốt ? Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em. Nhưng làm là để có khí thế vươn lên, chứ không phải nhụt chí đi, hay co lại không dám làm vì sợ khuyết điểm. Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm, mỗi lần ngã là một lần bớt dại/ Để thêm khôn một chút nữa trong người”.
Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy!” trong đấu tranh tham nhũng, tiêu cực đã lan toả mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, trong đó có ngành Công Thương. Bằng chứng thể hiện qua việc hàng loạt các cán bộ QLTT bị thi hành kỷ luật được tiến hành công khai, đúng pháp luật; không còn “trên nóng, dưới lạnh”, “vùng cấm, ngoại lệ”; với quyết tâm chính trị làm trong sạch bộ máy ngay từ trong ngành, lĩnh vực của mình cũng là góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
Đảng đã coi việc kỷ luật một số cán bộ, đảng viên cũng như “chặt cành để cứu cây” thì với ngành Công Thương, thi hành kỷ luật cán bộ QLTT là minh chứng nói đi đôi với làm, thể hiện quan điểm nghiêm túc, không dung túng, bao che tiêu cực, là luồng gió mới bồi đắp niềm tin cho cán bộ, công chức trong toàn ngành giữ vững hơn nữa phẩm giá và hình ảnh của mình.
Với tinh thần “tự soi tự sửa”, “chặt cành sâu để cho cây xanh tốt”, việc quản lý thị trường kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, tự làm trong sạch đội ngũ là rất cần thiết, được dư luận đồng tình, ủng hộ.