Tuyên Quang: Khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Kết nối tiêu thụ sản phẩm cam Hàm Yên tại Hà Nội Ngành Công Thương Tuyên Quang: Những kết quả đáng khích lệ |
Theo đó, thực hiện Quyết định số 216/QĐ-BCT ngày 10/02/2023 của Bộ Công Thương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023, Sở Công Thương Tuyên Quang được giao nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương.
Tháng 11/2023, với “Mô hình thương mại hai chiều” được khai trương tại Cửa hàng Thắng Loan thuộc Hộ kinh doanh Hoàng Thị Loan, địa chỉ tại thôn Đoàn Kết, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang thuộc đối tượng hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống tại xã khu vực III - xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Mô hình thương mại hai chiều" tại xã Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang), Ảnh: Sở Công Thương Tuyên Quang |
Xã Lực Hành là xã khu vực III, thuộc khu vực khó khăn của huyện Yên Sơn. Xã có 3.700 nhân khẩu, 80% là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,86%. “Mô hình thương mại hai chiều” được xây dựng trên địa bàn xã thực sự rất cần thiết đối với xã không có chợ nông thôn như Lực Hành. Có mô hình này người dân sẽ được cung cấp các sản phẩm thiết yếu rõ nguồn gốc, đảm bảo hơn về chất lượng, đồng thời là nơi để người dân trao đổi những sản phẩm địa phương, vung miền của tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang là một trong 7 tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng “Mô hình thương mại hai chiều”. Mô hình vừa là điểm bán hàng thiết yếu vừa là điểm thu mua, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Liên quan về vấn đề này, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết: Xây dựng mô hình thương mại hai chiều sẽ vừa cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua, tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra để tạo thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, đảm bảo an sinh, xã hội.
Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tuyên Quang tham quan mô hình thương mại hai chiều tại xã Lực Hành (Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Sở Công Thương Tuyên Quang |
“Mô hình thương mại hai chiều" đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, nhiều sản phẩm hàng hóa tốt được kiểm soát về an toàn thực phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Đây cũng là một bước để đưa được sản phẩm, hàng hóa vùng miền của đồng bào dân tộc thiểu số vào trong các kênh tiêu thụ trong nước”, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mô hình thương mại hai chiều sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được tiếp cận với thị trường trên địa bàn, từng bước nhân rộng và xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường các điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn toàn tỉnh; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm phong phú về mẫu mã, chủng loại, đảm bảo chất lượng, có giá cả phù hợp với thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Sở Công Thương Tuyên Quang thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường |
Cùng với xây dựng “mô hình thương mại hai chiều”, Sở Công Thương đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các đối tượng là cán bộ Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã, các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh và nông dân sản xuất, buôn bán, tiểu thương tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Yên Sơn.
Lớp học trang bị các kỹ năng tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sử dụng công cụ tìm kiếm trên internet; kỹ năng marketing, chăm sóc khách hàng, truyền thông và bán hàng trên nền tảng số; kỹ năng quản trị gian hàng thương mại điện tử và xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường…Từ đó vận dụng vào tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.
"Mô hình thương mại hai chiều" tại Tuyên Quang vừa triển khai nhưng bước đầu đã được người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đón nhận tích cực. Kết nối cung cầu địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hàng hóa được lưu thông thuận lợi theo hai chiều góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống, cơ sở bán buôn, bán lẻ.