Tỷ giá năm nay được kỳ vọng sẽ ít biến động, nhờ chính sách điều hành tỷ giá mới |
ACV lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 660 tỷ đồng
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015. Theo đó, ACV đạt doanh thu 10.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.647 tỷ đồng. So với năm 2014, doanh thu tăng 36%, nhưng lợi nhuận giảm 32,6%, chủ yếu là do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 660 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2015, Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 641,3 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện là 22,1 tỷ đồng, làm chi phí tài chính tăng gần 300 tỷ đồng.
Lỗ chênh lệch tỷ giá của ACV đến từ các khoản vay bằng Yên Nhật, thông qua Hiệp định vay vốn giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, tổng dư nợ vay tại thời điểm cuối năm 2015 là hơn 70 tỷ Yên. Các khoản vay này được sử dụng để xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và Nhà ga quốc tế Nội Bài T2.
Vietnam Airlines “bay” gần 1.600 tỷ đồng lợi nhuận
Năm 2015, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng chịu rủi ro biến động tỷ giá liên quan đến các nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ như bán hàng, phải thu, phải trả bằng ngoại tệ, vay ngân hàng bằng ngoại tệ.
Năm 2015, Vietnam Airlines có doanh thu tăng 3 lần so với năm 2014, đạt gần 40.000 tỷ đồng, lãi gộp đạt gần 5.000 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 45,6 tỷ đồng, bằng 19,6% năm 2014. Nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm là do chi phí tài chính năm 2015 tăng 3,5 lần so với năm 2014, lên 3.440 tỷ đồng, trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái 2.448,8 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Tổng công ty thu về 864 tỷ đồng từ lãi chênh lệch tỷ giá, nhưng con số này không thể bù đắp khoản lỗ lớn nói trên.
Được biết, các khoản vay ngắn hạn của Vietnam Airlines bằng USD, có thời hạn 3 tháng, lãi suất bình quân 1,33%/năm. Các khoản vay dài hạn bằng VND, USD và EUR có lãi bình quân gia quyền lần lượt là 8,78%/năm, 3,5%/năm và 2,32%/năm. Trong đó, tổng khoản vay bằng USD tính đến ngày 31/12/2015 là 19.865 tỷ đồng.
VOS lỗ lớn, một phần vì tỷ giá
CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cho biết, kết quả kinh doanh năm 2015 của Công ty bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tỷ giá. Theo VOS, Trung Quốc phá giá NDT trong tháng 8/2015 đã làm nhiều nước phải giảm giá đồng nội tệ, dẫn đến hoạt động thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hợp đồng kinh tế bị trì hoãn và tạm ngừng giao dịch. Ngoài ra, cuối năm 2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức 0 - 0,25%/năm lên 0,25 - 0,5%/năm.
Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất kể từ đầu năm 2006, tạo ra sức ép đối với Việt Nam đồng. Tỷ giá VND/USD đã tăng hơn 5% trong năm 2015. Trong khi đó, áp lực về chi phí tài chính của VOS rất lớn, đặc biệt là cho những tàu đóng mới, các tàu có trọng tải lớn.
Cùng với đó, thị trường hàng hải diễn ra hoàn toàn trái ngược với dự đoán của giới chuyên môn và thực sự rơi vào “hoảng loạn”. Vì vậy, năm 2015, VOS chỉ đạt doanh thu 1.707 tỷ đồng, giảm 25,37% so với năm 2014 và lỗ 295 tỷ đồng (riêng chi phí tài chính là 263 tỷ đồng, trong đó chênh lệch tỷ giá là 98,5 tỷ đồng và tiền lãi vay ngân hàng là 142 tỷ đồng).
Viettel Global
Theo kết quả kinh doanh năm 2015 mà Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) - đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố, trong năm qua, Viettel Global đạt 14.875 tỷ đồng doanh thu và 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, năm 2014, Viettel Global đạt doanh thu thấp hơn, 14.207 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế tới 2.317 tỷ đồng.
Lý giải lợi nhuận năm 2015 sụt giảm, Viettel Global cho biết, với phạm vi hoạt đồng toàn cầu, hoạt động kinh doanh Tổng công ty có rủi ro tỷ giá từ các giao dịch mua, bán và vay bằng USD và đồng tiền của các nước như Mozambique, Cameroon, Tanzania, Burundi, Haiti. Năm 2015, Viettel Global ghi nhận lỗ ròng từ tỷ giá hơn 600 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thị trường châu Phi, Tổng công ty lỗ gần 2.600 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần con số năm 2014, một trong những nguyên nhân là đồng nội tệ của không ít quốc gia mà Viettel đầu tư giảm giá mạnh so với USD.
Ngoài các “ông lớn” kể trên, trong năm 2015, nhiều DN có báo cáo hiệu quả suy giảm do phải ghi nhận các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Các DN có khoản vay ngoại tệ giá trị lớn, đặc biệt với 2 đồng USD và Yên Nhật, chịu nhiều bất lợi nhất. Năm nay, tỷ giá được kỳ vọng sẽ ít biến động, nhờ chính sách điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước. Qua đó, lợi nhuận của các DN hy vọng ít bị “bào mòn”, thậm chí có cơ hội được hoàn nhập một phần khoản đã trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá.