Sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU) đã khiến thị trường tài sản trên toàn cầu náo loạn, trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ |
Thống kê của Bloomberg Billionaires Index cho thấy, trong ngày "Thứ Sáu đen tối", tài sản của 400 người giàu nhất thế giới đã "bốc hơi" 127,4 tỷ USD khi thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc trước thông tin hơn một nửa người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, tổng tài sản của giới tỷ phú thế giới đã mất 3,2% và giảm còn 3.900 tỷ USD. Trong đó, người chịu thiệt hại nặng nề nhất là tỷ phú Amancio Ortega - tỷ phú giàu nhất châu Âu. Ông chủ nhãn hàng thời trang Zara đã mất hơn 6 tỷ USD chỉ trong một ngày.
Trong khi đó, 9 vị tỷ phú khác cũng mất tới hơn 1 tỷ USD, bao gồm Bill Gates, Jeff Bezos và Gerald Cavendish Grosvenor - người giàu nhất nước Anh.
Một số thống kê cũng cho thấy, trong ngày Brexit, với phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận mất khoảng 2.000 tỷ USD do nhà đầu tư bán tháo tài sản và đầu tư vào những kênh an toàn như vàng.
Cổ phiếu của ngành tài chính chịu thiệt hại nặng nhất với 400 tỷ USD bốc hơi do nhà đầu tư lo ngại kinh tế sẽ càng giảm tốc hơn nữa và các ngân hàng trung ương sẽ hạ lãi suất để kích thích đầu tư.
Tổng giá trị vốn hóa của chỉ số chứng khoán toàn cầu S&P đã giảm xuống 41.500 tỷ USD, trong khi cổ phiếu của những công ty quốc tế niêm yết tại đây đã mất giá tới 5% trong phiên.
Riêng thị trường chứng khoán Mỹ mất khoảng 830 tỷ USD, trong đó vốn hóa các cổ phiếu của chỉ số S&P 500 mất 657 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị vốn hóa của các thị trường mới nổi cũng bị "thổi bay" 128 tỷ USD chỉ trong 1 ngày. Tại thị trường Việt Nam, vốn hóa hai sàn HSX và HNX sụt giảm hơn 25.400 tỷ đồng.
Do thị trường chung lao dốc, nhiều cổ phiếu lớn cũng bị ảnh hưởng kéo theo tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú Việt bị giảm theo.
Cụ thể, với việc VIC giảm 1.000 đồng tương ứng 1,89%, tài sản của người giàu nhất Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng, cũng mất 532,4 tỷ đồng. Hiện ông Vượng là người có khối tài sản lớn nhất thị trường với 27.686 tỷ đồng. Các thành viên khác trong gia đình ông Vượng là bà Phạm Thu Hương mất 91,8 tỷ đồng và bà Phạm Thúy Hằng mất 61,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, do nắm 184,3 triệu cổ phiếu HPG nên ông chủ Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng ghi nhận mất gần 240 tỷ đồng do HPG giảm giá 1.300 đồng tương ứng 3,24%.
Một số nhân vật khác là bà Vũ Thị Hiền (vợ bầu Long) mất 69,4 tỷ đồng; ông Đoàn Nguyên Đức mất 104,3 tỷ đồng... Ngược lại, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động ngược chiều thị trường, tăng 7.000 đồng tương ứng 6,1% đã giúp tài sản ông Nguyễn Đức Tài tăng thêm gần 26 tỷ đồng đạt 2.806 tỷ đồng (giàu thứ 5 thị trường).
Theo đánh giá của Ngân hàng Credit Suisse, Việt Nam nằm trong số những nền kinh tế châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sự kiện Brexit do thị phần xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU chiếm đến 7% GDP. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh đã đạt 1,8 tỷ USD.
Với những quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của sự kiện Brexit lên kinh tế chung và đối với các ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản... nên giới đầu tư đã thực hiện bán ra cổ phiếu và khiến VN-Index có lúc mất tới 34 điểm. Đóng cửa, chỉ số sàn HSX giảm 11,5 điểm tương ứng 1,82% còn 620,77 điểm với 206 mã giảm giá so với 51 mã tăng, trong khi HNX có 178 mã giảm so với 48 mã tăng giá. Chỉ số HNX-Index thậm chí còn giảm mạnh với biên độ tới 2,23%, giảm còn 83,42 điểm.