Chiều 28/11, trong khuôn khổ Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất - 2018, các trí thức trẻ đã có phiên thảo luận về vấn đề môi trường và các thách thức môi trường mà con người và toàn cầu đang phải đối mặt.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cùng trao đổi, tập trung vào 3 nội dung chính gồm các vấn đề về BĐKH mà Việt Nam nói chung, các vùng, khu vực nói riêng đang và sẽ sớm phải gánh chịu tác hại, từ đó, trao đổi các giải pháp ưu tiên giảm thiểu tác động của BĐKH; Những công nghệ cụ thể để giải quyết các vấn đề về môi trường, BĐKH sẽ được áp dụng, triển khai tại Việt Nam; Đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể theo những kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới.
Các đại biểu tham dự phiên họp về ứng dụng công nghệ trong bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH |
Biến đổi khí hậu (BĐKH) do các hoạt động của con người gây ra, đang trở nên thường xuyên hơn, gây nguy hiểm cho cuộc sống con người. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Với quyết tâm hạn chế ảnh hưởng của BĐKH, Việt Nam cùng 170 quốc gia đã ký kết Thoả thuận Paris, cam kết toàn cầu đầu tiên về khí hậu, với mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 2 độ C.
Tháng 10/2018, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra một bảo cáo về mức độ nghiêm trọng của BĐKH lên trái đất, chỉ ra sự khác biệt giữa ngưỡng tăng nhiệt 1,5 độ C và 2 độ C mà con người ở nhiều nơi, trong đó có nhiều tỉnh ở Việt Nam đang phải hứng chịu như mực nước biển dâng cao, nhiệt độ nóng hơn, lượng mưa cực lớn và hạn hán, tăng tính axít trong nước biển và tỷ lệ tuyệt chủng của nhiều giống loài. Báo cáo của Liên hiệp quốc cũng chỉ ra rằng chỉ còn 12 năm để hành động và thay đổi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với các thách thức về giảm thiểu ô nhiễm carbon, giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời; song song với những chiến lược bảo tồn, việc thay thế việc sử dụng nhựa, nilon trong sinh hoạt và sản xuất.
Các đại biểu là các trí thức trẻ tiêu biểu |
Theo các đại biểu, để hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH cùng các vấn đề môi trường khác cần có sự hành động quyết liệt từ chính phủ các quốc gia thông qua các chính sách, các cam kết; có sự chung tay của doanh nghiệp thông qua việc đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thận với môi trường; và hành động của mỗi cá nhân thông qua việc thay đổi suy nghĩ và thói quen tiêu dùng hàng ngày.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Điều này mang đến những thách thức lớn cho Chính phủ trong việc lựa chọn chính sách cân bằng giữa phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất, tăng công ăn việc làm với những chính sách thay đổi nêu trên. Các doanh nghiệp cũng đứng trước thách thức về so sánh chi phí đầu vào của các nguồn khác nhau, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất và cả việc thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Các cá nhân ở các khu vực khác nhau và phân khúc thị trường khác nhau cũng sẽ hiểu biết và lựa chọn khác nhau, khiến cho việc đồng nhất trong hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường khó khăn hơn.
Tại phiên thảo luận, đã có nhiều kiến nghị, sáng kiến và ý tưởng để giải quyết vấn đề môi trường và BĐKH như Ứng dụng GIS thành lập bản đồ quản lý rác thải của Cao Thị Ánh Tuyết (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam); Ứng dụng máy học và robot trong công tác bảo vệ môi trường và chống BĐKH của thạc sĩ Nguyễn Văn Tỵ; Ứng dụng GIS và Drone trong quản lý rừng và sản xuất nông nghiệp của kỹ sư Nguyễn Văn Thiên Vũ (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh); Ứng dụng công nghệ 4.0 và các yếu tố thời tiết để dự báo sớm dịch sốt xuất huyết của tiến sĩ Trần Ngọc Đăng…
Các đại biểu cũng đã đưa ra những đề xuất, khuyến nghị cho Chính phủ trong việc chung tay bảo vệ môi trường bền vững như đầu tư mạnh mẽ về đào tạo trong năng lượng; Đẩy mạnh quy hoạch vùng để tận dụng những thế mạnh của các vùng khác nhau; Cần được tăng cường trong việc xử lý chất thải, xử lý những sự cố môi trường; nâng cao nhận thức của người dân để ứng dụng 4.0 vào nông nghiệp; Xây dựng các mô hình liên quan đến cảnh báo sớm về thời tiết một cách chính xác tối đa…