Cần làm gì để chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Giải pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử |
Hàng giả, hàng không rõ xuất xứ tiếp tục là vấn nạn
Dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chế tài xử lý vi phạm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái song vẫn chưa đủ sức răn đe với các đối tượng làm giả. Minh chứng là tại nhiều tỉnh, thành phía Nam, dù lực lượng chức năng liên tục gia quân xử lý song số lượng vụ việc vi phạm vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Đơn cử tại tỉnh Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm nay lực lượng quản lý thị trường địa phương đã kiểm tra 490 vụ và phát hiện 125 vụ vi phạm, nộp ngân sách trên 5,5 tỷ đồng. Nổi cộm trong số các vụ việc là vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, chất lượng, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Còn ở TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong tháng 4/2023, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 129 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tạm giữ 12.321 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, mắt kính, mũ bảo hiểm, vải… với số tiền vi phạm hàng tỷ đồng.
Cũng trong tháng 4/2023, các Đội Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 111 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tạm giữ 49.187 đơn vị sản phẩm quần áo, thực phẩm, thuốc đông dược, thực phẩm chức năng, dược liệu, phụ tùng xe máy, giày dép, thiết bị điện, hàng gia dụng, dụng cụ y tế, trang sức xi mạ, phụ kiện điện thoại di động, mũ bảo hiểm…
Đây là con số đáng báo động, bởi vấn nạn mua bán hàng giả luôn là một đề tài nhức nhối trên thị trường. Bởi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe và niềm tin người tiêu dùng đối với các đơn vị cung cấp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Đơn cử trong lĩnh vực chiếu sáng. Thời gian qua do việc ứng dụng nguồn đèn và hệ thống đèn không rõ nguồn gốc, chất lượng đã gây ra tổn thất lớn về mặt doanh thu do cho một số doanh nghiệp, nhà máy, văn phòng có sử dụng hệ thống chiếu sáng trên diện rộng. Cụ thể là những đơn vị này đã phải chi tiền trả cho một lượng điện năng lớn; thậm chí, gây ra những hệ quả khôn lường như giật điện, cháy nổ, rò rỉ điện tác động đến tính mạng. Việc này nghiêm trọng tới mức Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra nhiều công văn khuyến cáo người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm điện năng, đặc biệt là vào khoảng thời gian nắng nóng khi lượng điện năng tiêu thụ đạt tới 45000 MW.
Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu trước vẫn nạn hàng giả |
Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả
Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chế tài xử lý vi phạm, kinh doanh hàng giả, hàng nhái song vẫn chưa đủ sức răn đe với các đối tượng làm giả. Và để tự bảo vệ mình, đồng thời cũng là bảo vệ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang phải ứng dụng công nghệ số nhằm chống hàng giả tốt hơn.
Kinh nghiệm hơn 10 năm phân phối các thiết bị chiếu sáng trên thị trường, ông Chu Thanh Phong - Chủ tịch Công ty Cổ phần Chu Minh Hải chia: Việc giúp người mua lựa chọn và phân biệt hàng chính hãng luôn là niềm trăn trở của chúng tôi trong nhiều năm qua. “Một trong những biện pháp mà chúng tôi thấy hữu dụng nhất đó chính là tem xác thực hàng chính hãng kết hợp công nghệ SMS”- ông Phong cho biết.
Được biết, tem xác thực hàng chính hãng hiện được áp dụng trên bộ điện LED của Signify, kết hợp giữa công nghệ thông tin-viễn thông và công nghệ in kỹ thuật số.
Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất - phân phối mỹ phẩm, bà Nguyễn Thị Như Ý - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần VitaOrga- cho hay, trên thị trường có rất nhiều công nghệ để chống hàng giả ví dụ như là QR Code, mã vạch. Tuy nhiên những phương pháp này đến nay không có hiệu quả vì thị trường vẫn có rất nhiều hàng giả đặc biệt là mỹ phẩm. Do đó, công ty chọn giải pháp gắn tem có chip lên từng sản phẩm. “Như vậy sẽ ghi lại dữ liệu của sản phẩm từ vùng nguyên liệu cho tới vùng sản xuất cho tới tay người tiêu dùng và một khi con tem đó tháo ra thì sẽ không thể dự ghi lại được dữ liệu và sẽ không có tình trạng làm giả nữa”- bà Ý cho biết thêm.
Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì việc đưa công nghệ vào chống hàng giả là cấp thiết. Tuy nhiên để việc chống hàng giả hiệu quả vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan cũng như người tiêu dùng, để vấn nạn này không còn là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp Việt.