Ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng - Không thể trì hoãn
Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương chủ trì, phối hợp với các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE... cùng một số bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tổ chức.
Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, với sự tham dự của gần 250 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, một số đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế.
Sự kiện này là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Trung ương về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị về “định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, góp phần làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về ứng phó với BĐKH và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh những tác động tiêu cực của BĐKH đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Đối mặt nhiều thách thức
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương - ông Nguyễn Văn Bình - nhấn mạnh: BĐKH đang là thách thức lớn cho quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới từ nước có điều kiện phát triển, đến các nước còn nghèo. Nếu không ứng phó hiệu quả với BĐKH thì thành quả phát triển kinh tế xã hội sẽ chịu tổn hại, quá trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương - phát biểu tại hội thảo |
Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông rộng lớn. Những tác động tiêu cực về BĐKH ngày một lớn, khó lường ở nhiều lĩnh vực và địa phương sẽ làm gia tăng mức độ cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường. Đây là một trong những nguy cơ làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, làm mất đi nhiều thành quả đã đạt được.
Dẫn ra một số nghiên cứu về BĐKH ở Việt Nam, ông Bình cho biết, đến cuối thế kỷ XXI, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương ven biển khác sẽ bị ngập nước, đặc biệt, 20% diện tích TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ có nguy cơ bị ngập.
Theo đó, sẽ có khoảng 10-12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất về kinh tế ước tính khoảng 10% GDP. Thực trạng BĐKH đang diễn biến phức tạp và nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học.
Đến nay, 11/13 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn, mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua; mỗi năm có khoảng 300ha đất đai bị sụt lún, sạt lở; hiện tượng nước biển dâng gây xâm nhập nước mặn, nước lợ ngày càng gia tăng… và nhiều tác động thiên tai khác đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh những tác động tiêu cực trực tiếp của BĐKH đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, BĐKH cũng gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng. Đây là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam hết sức quan tâm. BĐKH tại Việt Nam sẽ làm gia tăng hơn nữa mức độ phụ thuộc năng lượng. Sự mất ổn định của những nguồn cung năng lượng nhất là nguồn cung năng lượng sơ cấp do ảnh hưởng của BĐKH sẽ tác động lớn đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, ở chiều ngược lại, việc phát triển các nguồn năng lượng truyền thống lại là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, đây là tác nhân trực tiếp gây BĐKH.
“Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá mối tác động kép này để chủ động phòng chống BĐKH và đưa ra các giải pháp củng cố an ninh năng lượng quốc gia đảm bảo phát triển bền vững là việc làm hết sức cần thiết” - ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Hoa kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình quốc tế - cũng cho rằng: Thách thức BĐKH là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. BĐKH luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH.
Cần có chiến lược chuyển dịch năng lượng phù hợp
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo. Đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.
Các đại biểu tham gia tại hội thảo |
Ông John Kerry thông tin, hiện nay, ở Hoa Kỳ, 75% nguồn điện là từ mặt trời, than chiếm tỷ trọng 0,2%. Hoa Kỳ cũng không xây dựng nhà máy điện đốt than nữa. Trên thế giới, các nhà máy điện đốt than cũng không có hiệu quả bởi vì gió, thủy điện, điện mặt trời, khí thiên nhiên, điện hạt nhân đang được xây dựng để giải quyết vấn đề phát thải.
Hiện thách thức của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhu cầu đều giống nhau đó là năng lượng. "Lựa chọn của chúng ta về năng lượng là phải chú ý đến BĐKH. BĐKH đang diễn ra rồi. Nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện nay vẫn tăng và tăng cao nhất ở Đông Nam Á với mức 5% so với thế giới" - ông Kerry nói.
Ông John Kerry - cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì Hoà bình quốc tế - phát biểu tại hội thảo |
Ông Kerry cũng dẫn chứng, trong 5 năm qua, Việt Nam có mức sử dụng than tăng, tăng đến 75%. “Chúng ta phải làm gì đó để giảm mức sử dụng than, không cần thiết phải là “tù nhân”, phụ thuộc vào năng lượng than, phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng, chúng ta cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững, giảm phát thải CO2 càng nhiều càng tốt” - ông John Kerry chia sẻ.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - ông Bruno Angelet - cho rằng, Việt Nam cần đi bằng 3 chân, phối kết hợp giữa hiệu quả sử dụng năng lượng, cơ cấu năng lượng và năng lượng tái tạo, và kết hợp giữa các chính sách đầu tư công và chính sách tài khóa. Cần chuyển dịch hỗ trợ năng lượng nâu sang hỗ trợ năng lượng xanh…
“Tuy vậy, không ai mong chờ Việt Nam chỉ sao chép lại mô hình của châu Âu, Việt Nam cần phải có chiến lược phù hợp cho mình” - ông Bruno Angelet nhấn mạnh.
Theo đó, ông Bruno cũng nhấn mạnh 3 khuyến nghị: Đó là vai trò của đầu tư tư nhân; tiềm năng lớn cho điện mặt trời áp mái cho các hộ dân và khu công nghiệp; và sự cần thiết cho một chiến lược chuyển dịch và cơ cấu năng lượng phù hợp.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh BĐKH là cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát huy mạnh mẽ những ứng dụng của KHCN để tăng cường tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Ông Bùi Quốc Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - chia sẻ, hiện nay, Việt Nam chủ yếu sử dụng năng lượng từ thủy điện, than, khí. Tuy nhiên, tiềm năng khai thác từ nguồn năng lượng này đến cuối năm 2018 không còn nhiều, sau năm 2018 sẽ phải nhập khẩu. Để đảm bảo an ninh năng lượng, bên cạnh việc phát triển nguồn năng lượng truyền thống, cần phát triển năng lượng điện mặt trời, năng lượng tái tạo.
Hiện, các dự án điện mặt trời và điện gió được các chủ đầu tư ồ ạt xây dựng, có khoảng 100 dự án điện mặt trời đã được đăng ký và triển khai. “Chính sách thu hút các nhà đầu tư rất mở, tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất chính là phần đấu nối. Bởi các dự án năng lượng tái tạo tập trung ở Nam miền Trung và Tây Nguyên. Hiện, hệ thống truyền tải không đáp ứng tiêu thụ hết năng lượng mặt trời. Muốn phát triển hệ thống truyền tải thì phải có thời gian và vốn đầu tư. Thứ hai là điện mặt trời, không phải muốn bao nhiêu cũng được, phụ tải vẫn đang cần có nhu cầu, khi mất phải có nguồn khác hỗ trợ. Phải có nguồn điện rất lớn khi gặp sự cố điện mặt trời".
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến việc thúc đẩy phát triển hệ thống năng lượng hợp lý theo nguyên tắc cơ chế thị trường có tính đến việc gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo gắn với bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, giảm thiểu các tác động xấu đến BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế cacbon thấp.