BĐKH đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam |
Trong 3 ngày diễn ra tại Hà Nội (8 - 10/11), các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề: Bằng chứng về biến đổi khí hậu (BĐKH) và an ninh, bao gồm những thay đổi mực nước biển, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, bão, và các biến cố, thảm họa thiên tai khác, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của BĐKH và tình trạng dễ bị tổn thương, thích nghi và thích ứng với BĐKH, các tác động đến hệ sinh thái ven sông, tác động đến hệ sinh thái miền núi, hệ sinh thái ven biển...; tác động của con người lên BĐKH; chính sách và quản trị về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững; khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững... Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, xói lở bờ biển và sụt lún...
Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mới, với những kết quả ấn tượng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thông qua hàng loạt các kế hoạch hành động quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương... Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 và thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trước những vấn đề mang tính toàn cầu. Việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hà Nội 2018 tiếp tục là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam, Hà Nội, cộng đồng quốc tế và các bên liên quan.
Diễn đàn kỳ vọng sẽ tạo ra những cuộc trao đổi học thuật và chính sách liên quốc gia nhằm: Xác định và phân tích các bằng chứng về tác động của BĐKH, bài học được áp dụng thành công trong ứng phó BĐKH; hỗ trợ, tư vấn các cơ quan chính phủ, các tổ chức xã hội, khối tư nhân để xây dựng chính sách và chiến lược ứng phó chủ động hơn với BĐKH; đóng góp các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải cacbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh BĐKH; đẩy mạnh đào tạo và nghiên cứu về ứng phó BĐKH; và tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác ứng phó với BĐKH ở cấp độ quốc tế và khu vực.