Thanh khoản trên UPCoM trong tháng 3 cao gấp 3 lần tháng 2 |
Riêng trong tháng 3/2016, giao dịch trên UPCoM diễn ra đặc biệt sôi động, khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 160 triệu đơn vị, gấp 3 lần con số của tháng 2. Chỉ số UPCoM-Index liên tục tăng điểm, đặc biệt tăng mạnh từ ngày 21 - 29/3; mức tăng trong tháng 3 là 25,1%, có thời điểm đạt mức tăng 32,6% so với cuối tháng 2.
Trong tháng 3, nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh, dù thanh khoản thấp và gần như không có thông tin hỗ trợ, dẫn đến sự hoài nghi của NĐT. Tuy nhiên, không ít mã tăng giá với động lực đã được dự báo trước.
Nhóm cổ phiếu hậu thoái vốn nhà nước
Trong danh sách cổ phiếu tăng giá mạnh tại UPCoM kể từ đầu năm 2016 có 3 mã SWC, VTX, GEX, đều là cổ phiếu của các DN có hoạt động thoái vốn nhà nước vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 1/2016, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái xong toàn bộ 58,6% vốn tại CTCP Vận tải đa phương thức (VIX), tương đương gần 12,3 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, trong tháng 1, SCIC hoàn tất thoái 66,58% vốn tại Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (SWC), tương đương hơn 44,67 triệu cổ phiếu.
SWC và VTX hoạt động trong lĩnh vực logistics và sau thoái vốn nhà nước, cơ cấu cổ đông của cả 2 DN ít nhiều có sự tương đồng khi cùng có các cổ đông lớn là CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần và CTCP SCI (S99).
Tương tự, đối với Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Bộ Công Thương đã thoái toàn bộ 78,7% vốn tại DN này vào cuối tháng 12/2015. Thông tin từ ĐHCĐ GEX diễn ra mới đây, sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, cổ đông lớn nhất của Công ty vẫn là Chứng khoán Bản Việt, sở hữu 15 triệu cổ phần, tương đương gần 10% vốn điều lệ.
Các mã cổ phiếu nêu trên được đông đảo NĐT quan tâm, giá tăng và thanh khoản ở mức cao. Lý do chính, theo CTCK Maritime Bank (MSI), sau khi Bộ Công Thương thoái vốn, GEX sẽ chủ động hơn trong việc đầu tư vào các công ty con và các dự án đầu tư tại nước ngoài. Hơn thế, sự quan tâm của giới đầu tư đối với GEX còn nằm ở kết quả kinh doanh và những tài sản mà Công ty đang sở hữu, gồm hàng loạt công ty con và dự án bất động sản.
Đối với SWC, MSI nhận định, thông tin về việc thoái vốn của SCIC cùng với việc giai đoạn II của Dự án Saigon Centre sắp hoàn thiện có tác động tích cực đến giá của cổ phiếu này. Trên thực tế, giá cổ phiếu SWC tăng từ 12.500 đồng/CP hồi đầu năm lên 17.300 đồng/CP ngày 30/3, ghi nhận mức tăng 38,4%. Năm 2015, SWC đạt doanh thu 168,17 tỷ đồng, giảm 62,7%, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 53,59 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2014.
Nhóm cổ phiếu rớt sàn niêm yết
Thuộc nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh và thanh khoản cao trên UPCoM gần đây có hai mã PTK của CTCP Luyện kim Phú Thịnh và KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc, là “cựu thành viên” của HOSE, bị hủy niêm yết hồi đầu tháng 3 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.
Cùng lên UPCoM từ ngày 15/3, PTK và KTB nhanh chóng tạo sóng trên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/3, cổ phiếu KTB đạt mức giá 2.700 đồng/CP, tăng gần 240%, còn cổ phiếu PTK đạt mức giá 2.300 đồng/CP, tăng hơn 155% so với giá tham chiếu trong ngày chào sàn. Thanh khoản 2 cổ phiếu này từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, CTCK Bảo Việt, dòng tiền trên UPCoM tập trung một phần vào các DN bị hủy niêm yết, nhất là những DN đang trong quá trình tái cơ cấu với triển vọng khả quan. Nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của DN, của giá cổ phiếu, nên đổ xô mua trước đón đầu, đó không phải là hiện tượng lạ. Chính sự xuất hiện của các cổ phiếu hủy niêm yết với giao dịch sôi động này đã góp phần tạo ra sóng cổ phiếu “giá bèo” trên UPCoM.