Đầu tư vốn cho các dự án trong quy hoạch điện VII.
CôngThương - Theo ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN, trên cơ sở Quy hoạch điện VII, tình hình cung - cầu và khả năng tăng trưởng phụ tải, EVN đã rà soát danh mục đầu tư các dự án điện nguồn và lưới, đặc biệt là các công trình cấp bách cần ưu tiên đầu tư để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong giai đoạn tới. Theo đó, nhu cầu đầu tư của EVN khoảng 501.500 tỷ đồng. Tính đến đầu năm 2012, tập đoàn đã huy động được 315.200 tỷ đồng, còn lại khoảng 186.300 tỷ đồng chưa biết trông vào đâu. Trong đó, riêng các dự án điện cấp bách hiện nay còn thiếu khoảng 20.000 tỷ đồng vốn thu xếp từ các nguồn khác nhau.
Ông Thành cho biết, nguồn vốn này dành để đầu tư cho các dự án: Nhiệt điện Ô Môn I, tổ máy 2 Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và 3, Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải, các công trình lưới như đường dây 220kV Đăk Nông – Bình Long, 500kV Pleiku – Cầu Bông, đấu nối Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Vũng Áng, 220kV Vân Trì – Chèm, Trạm 220 kV Bảo Thắng - Lào Cai, Sơn Hà – Dốc Sỏi,…
Cũng theo ông Thành, để đảm bảo các dự án nguồn và lưới trong giai đoạn 2011-2015 theo Quy hoạch điện VII, EVN đã đề xuất với Chính phủ về một số cơ chế đối với các tổ chức tín dụng trong việc cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai theo tiến độ và kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển. Trong đó, việc thu xếp phần vốn lớn nhất là phần cho hợp đồng EPC. Theo ông Thành, EVN đang kiến nghị nhà thầu thu xếp vốn theo hình thức tín dụng - ngân hàng để đàm phán với các ngân hàng của các nước có nhà thầu cung cấp hợp đồng EPC cho vay vốn cho công trình.
Tại cuộc họp bàn về phương án xử lý vốn cho các dự án điện cấp bách của EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo EVN, Ngân hàng Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp để triển khai thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện được giao trong Quy hoạch điện VII, nhất là các dự án nguồn và lưới điện cấp bách. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo EVN triển khai Đề án phát hành trái phiếu trong nước để huy động thêm nguồn lực cho các hạng mục cấp thiết.
Nhấn mạnh tới tính cấp thiết của việc đưa các dự án điện phục vụ nhu cầu của phát triển kinh tế -xã hội đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, nhu cầu phụ tải tăng cao, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần ưu tiên cao cho các công trình này. Để tạo thuận lợi cho việc huy động vốn, Chính phủ đồng ý một số cơ chế đối với ngân hàng trong việc tạo thuận lợi vay vốn đối với các dự án như bảo lãnh vay, thẩm định dự án, vay ngoại tệ, thế chấp vay.