Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ tư
Quốc hội luôn quyết tâm đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn
Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 3, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hộikhóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu |
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Các nội dung cũng như các điều kiện đảm bảo tại kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
Thành công của kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng; công tác phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung của kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, cùng sự quan tâm, ủng hộ, giám sát chặt chẽ của cử tri và nhân dân cả nước.
Chia sẻ cụ thể về kết quả của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm của Kỳ họp và được tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định. Các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu các dự án luật, dự thảo nghị quyết và có đánh giá, phản biện sâu sắc, chất lượng các vấn đề tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, do đó, quá trình thảo luận, biểu quyết thông qua đều đạt sự đồng thuận cao.
Các luật, nghị quyết được thông qua có nhiều chính sách mới, tiến bộ, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế. 5 Luật vừa được thông qua đều được khẩn trương hoàn thiện, trình ký chứng thực và kịp thời được Chủ tịch nước công bố.
Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, có ý nghĩa quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới, bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền, lợi ích của Nhân dân.
Đặc biệt, phát huy kết quả đạt được tại kỳ họp trước, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định Quốc hội luôn quyết tâm đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Những nội dung chất vấn thiết thực, vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân đối với công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, trong đó, có những vấn đề đã tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được giải quyết một cách căn cơ.
Các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đúng và trúng vấn đề; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng nhằm góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực.
"Thành viên Chính phủ chuẩn bị nội dung chu đáo, kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề thuộc phạm vi quản lý; trả lời, giải trình rõ ràng, cầu thị, không né tránh, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, đồng thời đưa ra các cam kết khắc phục trong thời gian tới" - ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Lần đầu tiên tại một kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua Chủ trương đầu tư 05 dự án quan trọng quốc gia (gồm: Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1), nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng.
Đây là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, bảo đảm quốc phòng, an ninh, có tác động, lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các vùng và từng địa phương.
Kỳ họp thứ 4 sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật
Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Cường cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra trong 22 ngày. Từ 20/10 đến 18/11. Theo đó công tác lập pháp chiếm 10,5 ngày để xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 7 dự án luật.
Các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác là 9,5 ngày. Qua đó xem xét các báo cáo về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.
Xem xét báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các chính sách phòng, chống dịch Covid-19. Xem xét báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3.
Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có).
Theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội 2 nội dung tại kỳ họp thứ 4: Tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, các chính sách phòng, chống dịch Covid-19; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.
“Đây là những nội dung quan trọng, cần được xem xét, đánh giá để đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, do đó Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bố trí Quốc hội thảo luận 2 nội dung nêu trên” - ông Bùi Văn Cường nói.
Về kỳ họp thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị chuẩn bị sớm các dự án luật, trong đó có Dự án Luật đất đai (sửa đổi).
“Trong các vấn đề xây dựng pháp luật của kỳ họp thứ 4, tôi cho rằng Luật đất đai là một vấn đề khó nhất, cũng là vấn đề phức tạp nhất và được trông đợi nhất, quan trọng nhất. Cho nên, riêng Luật đất đai chúng ta tiếp tục phát huy cách chúng ta làm trước đây và tổ chức khởi động từ sớm, huy động các thành phần tham gia, vận dụng tối đa trí tuệ và coi như là việc thông qua được Luật đất đai có chất lượng này là một trong những đóng góp quan trọng của Quốc hội” - ông Vinh cho hay.