Đảng ủy EVN: Tập trung chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu 5 năm EVN tích cực thực hiện Nghị quyết 35 - NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng |
Kế hoạch bài bản, quyết liệt triển khai
Là một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, nhiều năm qua, bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo Tập đoàn EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị là đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, Đảng uỷ EVN còn chú trọng công tác chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy Tập đoàn phát triển nhanh, mạnh, bền vững.
Với tinh thần nghiêm túc, chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các Quyết định của Thủ tướng về chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về việc “Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, có kế hoạch cụ thể, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
EVN đã đặt mục tiêu chuyển đổi các hoạt động chưa được số hóa trở thành được số hóa; các hoạt động còn thủ công, chưa tự động chuyển thành tự động, áp dụng các công nghệ mới thay thế cho các công nghệ cũ lạc hậu, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động trong toàn Tập đoàn. Phấn đấu đưa Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành năm 2022.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Đảng ủy EVN đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức, đơn vị, đảng viên, người lao động trong chuyển đổi; Sửa đổi, ban hành mới và thực hiện các quy trình, quy định phù hợp với chuyển đổi số. Rà soát các quy định, quy trình trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn để xem xét sửa đổi phù hợp với xu thế chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN4.0. Nghiên cứu ban hành các quy định, quy trình và cơ chế để khuyến khích các đơn vị, cá nhân đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực. Trong đó, tập trung lĩnh vực kỹ thuật và sản xuất (phát điện, truyền tải điện và phân phối); Lĩnh vực, kinh doanh và dịch vụ khách hàng; Lĩnh vực đầu tư xây dựng; Lĩnh vực quản trị; Lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa.
EVN đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang lại những lợi ích cho khách hàng |
Những kết quả tích cực
Nhờ tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp uỷ, tổ chức, đơn vị cùng sự giám sát thường xuyên, đến nay, công tác chuyển đổi số tại EVN đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, hầu hết các hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Đơn cử như trong sản xuất, EVN đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110kV đến 500kV.
Lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, chuyển đổi số đã mang lại tối đa các tiện ích cho khách hàng sử dụng điện. Đến nay, EVN đã lắp đặt 21,1 triệu công tơ điện tử, đạt 70,9% tổng số công tơ trên lưới, là cơ sở quan trọng để thu thập và khai thác dữ liệu phục vụ khách hàng. EVN cũng đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến. Đặc biệt, Tập đoàn đã xây dựng hệ sinh thái EVNCONNECT, kết nối với các nền tảng: Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; kết nối với ngân hàng, trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố.
Tính đến nay, EVN đã tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư cho 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo dữ liệu cuối tháng 8/2023, trong 21 bộ, ngành cung cấp dịch vụ trực tuyến trên Cổng, EVN xếp hạng 1 và là đơn vị đã xuất sắc duy trì vị trí dẫn đầu trong nhiều tháng liên tiếp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hay trong công tác quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, EVN đã chuẩn hóa cơ cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; áp dụng phương pháp RCM, CBM trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng để tăng cường hiệu quả; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện bất thường trong hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, tập đoàn đã tạo ra môi trường làm việc giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thông qua nhật ký thi công công trình điện tử và chữ ký điện tử; ứng dụng AI trong giám sát xây dựng, kiểm tra chất lượng và kiểm soát nhân lực thi công…
Các đơn vị trực thuộc EVN bước đầu đã hoàn thành ứng dụng AI và mô hình AI tự động kiểm tra, phát hiện bất thường, kiểm soát công trường, chất lượng công trường từ xa; ứng dụng các công nghệ UAV, BIM, 3D trong khâu khảo sát, thiết kế, quản lý xây dựng; xây dựng thư mục quản lý hồ sơ dự án; quản lý mua sắm vật tư thiết bị có ứng dụng QR code từ khâu mua sắm đến lắp ráp, lắp đặt vật tư, thiết bị…
Đặc biệt, EVN đã đẩy mạnh công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả, có đến 100% số gói thầu đã được EVN thực hiện qua mạng….
Bên cạnh công tác chuyên môn, để triển khai thành công Nghị quyết số 03-NQ/ĐU của Đảng ủy EVN, Tập đoàn đã ban hành Chương trình hành động và đề cao sáng kiến, sáng tạo. Điển hình là chương trình “10 nghìn sáng kiến” được EVN và Công đoàn EVN phát động từ ngày 14/2/2022 đến ngày 31/8/2023 đã thu được 12.931 sáng kiến, đạt tỷ lệ 129% của đoàn viên, người lao động tham gia; đồng thời EVN đạt mốc 4 năm liên tục nhận Giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam”.
Tại các đơn vị thành viên cũng đạt điều nhiều kết quả tích cực như Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên trên cả nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận là Doanh nghiệp số; một số đơn vị như: Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam,… đạt nhiều giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia.
Ông Đỗ Đức Hùng – Chủ tịch Công đoàn EVN đánh giá, các sáng kiến đã thể hiện được sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động ngành Điện; góp phần cải tiến kỹ thuật, khắc phục khiếm khuyết thiết bị đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định, liên tục; nâng cáo dịch vụ, cải thiện môi trường làm việc; đồng thời kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp và trong giai đoạn bình thường mới, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; đem lại giá trị lợi ích kinh tế to lớn cho Tập đoàn. Quan trọng hơn, các sáng kiến đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của Tập đoàn.
Mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức song Tập đoàn EVN vẫn đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số đã được Đảng ủy Tập đoàn đề ra, trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng nói riêng và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Có thể nói, quá trình chuyển đổi số của EVN luôn gắn liền và đóng góp tích cực vào các mục tiêu chuyển đổi số Quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số. Bên cạnh những lợi ích trực tiếp cho Tập đoàn, chuyển đổi số của EVN còn mang lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng sử dụng điện và cộng đồng xã hội. |