Ảnh minh họa |
Theo ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường thuộc Đề án được quản lý tương đương như một chương trình KHCN cấp nhà nước. Trong giai đoạn 2010 - 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao thực hiện 57 nhiệm vụ nghiên cứu (47 đề tài và 10 dự án sản xuất thử nghiệm) thuộc các lĩnh vực công nghệ, thiết bị và sản phẩm xử lý môi trường và tái chế chất thải, với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 134,3 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị đã huy động khoảng 64 tỷ đồng từ nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
“Hầu hết các nhiệm vụ đều bám sát mục tiêu. Nhiệm vụ của Đề án là tạo ra và nâng cao năng lực công nghệ xử lý môi trường, chế tạo thiết bị và sản xuất các sản phẩm xử lý môi trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam” - ông Hoàn chia sẻ. Một số ví dụ điển hình trong Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN được đánh giá cao thời gian qua như: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hấp phụ - xúc tác không bã thải để xử lý nước thải chứa các hợp chất hữa cơ dạng vòng thơm” đã đưa ra quy trình sản xuất vật liệu hấp phụ- xúc tác từ than hoạt tính và được thử nghiệm tại Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam đạt kết quả tốt. Hay Đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu siêu hấp phụ kiểu nano carbon ứng dụng trong xử lý nước” đã làm chủ quy trình chế tạo vật liệu nano carbon, vật liệu tổ hợp trên cơ sở ống nano carbon và thiết bị lọc nước cầm tay có sử dụng vật liệu nao carbon sử dụng cho công tác hành quân dã ngoại. Kết quả của đề tài đã được phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2010 – 2015 Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2030, diễn ra ngày 15/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Những kết quả đó đã tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư bảo vệ môi trường nói chung và phát triển ngành công nghiệp môi trường nói riêng. Tuy nhiên, “các kết quả thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường còn thấp. Số lượng và hàm lượng công nghệ của các sản phẩm công nghiệp trong các lĩnh vực môi trường còn hạn chế; quy mô hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường ở mức độ vừa và nhỏ…; năng lực và sự liên kết giữa nghiên cứu và triển khai của các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp chưa phát triển…” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp môi trường giai đoạn 2016 - 2020 là “phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng bền vững”.Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định của Chính phủ về ngành công nghiệp môi trường để tạo hành lang pháp lý, chính sách thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp môi trường.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng mong muốn, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp công nghiệp môi trường cũng như toàn xã hội. |