Dự án được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu tăng cường lồng ghép yếu tố xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh và vai trò tích cực của Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành trong việc thúc đẩy quá trình này.
Theo đó, dự án gồm 3 hợp phần chính: “Phương pháp và kỹ năng thực hiện đánh giá tác động xã hội (SIA)” nhằm cải thiện kỹ năng thực hiện đánh giá tác động xã hội của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan; Quy trình và vai trò triển khai đánh giá tác động xã hội” để tăng cường vai trò của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện đánh giá tác động xã hội; “Nhận thức về yếu tố xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững” nhằm cải thiện kiến thức và hiểu biết chung của Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan về yếu tố xã hội trong việc thực hiện mục tiêu xanh và bền vững.
Sau gần 4 năm, nhiều hoạt động của dự án đã được triển khai đa dạng bao gồm một chuỗi các chương trình tập huấn cho các cán bộ, ngành ở trung ương và địa phương, các khóa đào tạo lớp giảng viên nguồn về đánh giá tác động xã hội, các nghiên cứu thí điểm trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động xã hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 cũng như các chương trình đào tạo, tham quan học tập trong và ngoài nước về các chủ đề lao động, xã hội, tăng trưởng xanh bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Jasper Abramoski - Giám đốc quốc gia của GIZ tại Việt Nam - cho biết: “Được triển khai từ năm 2016-2020, dự án tập trung vào hỗ trợ và triển khai đánh giá tác động xã hội, chính sách, môi trường xã hội cũng như hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH trong việc nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ để có thể giải quyết các vấn đề về môi trường xã hội có thể xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế cũng như để tránh/giảm thiểu các tác động xã hội tiêu cực và đưa ra các giải pháp bồi thường phù hợp. Nhờ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương. Nỗ lực này góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trên con đường phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Diễn đàn diễn ra với 2 phiên thảo luận, phiên 1: Giới thiệu những yêu cầu thực hiện đánh giá tác động xã hội và giới, kinh nghiệm quốc tế trong đánh giá tác động xã hội, những khoản trống trong đánh giá tác động xã hội với nhóm yếu thế. Phiên 2: Tọa đàm thảo luận trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về đánh giá tác động xã hội và giới của nhóm các nhà quản lý hoạch định chính sách và nhóm chuyên gia trực tiếp thực hiện đánh giá tác động xã hội trong thực tế.
Các đại biểu tham gia diễn đàn là những người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo, góp ý, chỉnh sửa các nghiên cứu đánh giá tác động xã hội và giới, các cán bộ quản lý chuyên viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và những cá nhân khác co mong muốn tìm hiểu, tham gia mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực này.