Vận tải hành khách ngày Tết: Đủ xe nhưng phải an toàn
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều người dân chọn phương tiện xe khách để về quê. Các hãng xe bán vé “đắt như tôm tươi”, nhiều hãng xe lớn đã hết vé. Song cũng như máy bay, sẽ có tăng cường thêm nhiều chuyến xe để phục vụ hành khách trong dịp Tết, đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đủ xe, nhưng vấn đề an toàn có được đảm bảo. Thực tế, tình trạng xe dù bến cóc, phe vé, cò mồi hay việc ngồi xe bị nhồi nhét, đến bắt khách dọc đường hay phóng nhanh vượt ẩu, khiến hành khách hoảng sợ, ê chề đã xảy ra.
Thực tế, không chỉ ngày Tết mà ngay cả ngày thường, căn bệnh “mãn tính” tại các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố là nạn “xe dù”, “bến cóc”, xe khách trá hình, đi sai luồng tuyến, dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đi lại của những phương tiện khác. Vì lợi nhuận, nhiều nhà xe phớt lờ quy định, cố gắng đi nhiều điểm, tạo ra những chỗ thuận tiện nhất cho khách hàng, vì đón càng nhiều lượt khách thì doanh thu càng tăng lên nhiều. Còn từ phía những hành khách, nhiều khi do thói quen họ không muốn đi bộ thêm vài trăm mét để đến đúng điểm dừng đỗ cố định, mà có thể đứng bắt xe bất cứ đâu tiện cho họ.
Tình hình giao thông luôn "nóng" dịp cận Tết |
Có đủ xe cho người dân về quê trong dịp Tết là tốt, nhưng phải nâng chất lượng và văn minh của xe khách đường dài lên một đẳng cấp mới. Xe phải sạch sẽ, vệ sinh, ghế ngồi, giường nằm được chuẩn bị tươm tất, hành khách ngồi, nằm thoải mái để được bảo đảm sức khỏe trên một hành trình dài. Chọn các điểm dừng chân cũng phải đạt chất lượng, phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi với giả cả hợp lý, thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, hành khách yên tâm không bị chặt chém.
Một yêu cầu được đặt ra cao nhất, đó là đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông, hành khách "đi đến nơi, về đến chốn". Lái xe phải đặt tính mạng của hành khách lên trên hết, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Không chỉ đối với xe khách, mà Tết năm nay, do có thêm nhiều tuyến cao tốc Bắc Nam đưa vào sử dụng, nên nhiều người đi xe cá nhân về quê, lượng xe tham gia giao thông sẽ tăng lên. Do vậy, muốn đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa các trường hợp tai nạn, về số vụ, về người chết và bị thương, thì công tác quản lý nhà nước, nhất là ngành giao thông vận tải, cảnh sát và các ngành chức năng ở từng địa phương phải bám sát địa bàn, có các kịch bản chi tiết để yêu cầu các nhà xe, hãng tàu có sự chuẩn bị kỹ càng để đưa đón khách thì cuộc di chuyển ấy mới mong bảo đảm an toàn, chu đáo.
Đi lại trong dịp Tết luôn có nhu cầu tăng rất cao, hành khách chính là chủ thể trong cuộc hành trình này. Việc đưa ra lựa chọn chính xác từ đi bằng phương tiện gì, lộ trình ra sao; cân đong đo đếm cả tiền vé lẫn các mục tiêu khác là rất quan trọng đối với mỗi người trước khi quyết định.
Công tác chuẩn bị càng chu đáo bao nhiêu, lường trước cả những rủi ro, bất trắc cho chuyến hành trình chính là bảo đảm cho việc đi lại dịp Tết thêm an toàn, như ý muốn.
Các khó khăn, vướng mắc của hành khách rất cần được các cơ quan quản lý, các hãng tàu xe lưu ý để hỗ trợ tốt nhất cho hành khách. Để hành trình về quê ăn Tết của mỗi người dân bớt âu lo, chênh vênh như đã từng xảy ra.