Đặc biệt là phần mục tiêu tổng quát với tinh thần chủ đạo được nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội XII của Đảng, dành một mục tiêu quan trọng đó là: “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.
Có thể nói đây là mục tiêu, định hướng lớn của Đảng ta về văn hóa, nằm trong quan điểm đổi mới, trước hết là về tư duy. Quan điểm này chỉ rõ vị trí quan trọng đặc biệt của văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, có mối quan hệ biện chứng thống nhất với kinh tế, chính trị. Tôi hoàn toàn tán thành với mục tiêu này.
Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, văn hóa là một lĩnh vực thực tiễn của đời sống xã hội, nó cũng có những quy luật vận động phát triển riêng, trong đó tính dân tộc được coi là thuộc tính cơ bản của văn hóa, phản ánh mối quan hệ giữa dân tộc và văn hóa trong điều kiện dân tộc đã hình thành. Nội lực của dân tộc, một mặt, chính là nguồn lực to lớn, mặt khác, là truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được kết tinh và hiện đại hóa. Vì thế nên cân nhắc bổ sung cụm từ Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bản sắc văn hóa là sự kết tinh những gì đặc sắc nhất, đẹp đẽ nhất, độc đáo nhất của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, có giá trị bền vững, trường tồn cùng thời gian, là chất keo kết nối cộng đồng người gắn bó với nhau, để cùng tồn tại và phát triển, nhất là trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Vì vậy chúng tôi nhất trí cao Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng tại: Mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới, mục (4) của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng về "Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa", song cần bổ sung cụm từ: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Như vậy sẽ làm rõ, cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội hàm và cũng là nhân tố đáp ứng, mục tiêu được nêu ngay từ tiêu đề của văn kiện đã đề ra.
MINH TƯ
(Phòng Tổ chức cán bộ, Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội)
-------------
Thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài và trong dân
Đọc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tôi hoàn toàn tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong mục III- Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. So với Đại hội XI, điểm mới hơn trong Dự thảo văn kiện này ở chỗ đã xác định được thị trường trong nước là một yếu tố quan trọng cho tăng trưởng. Đây là nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của thị trường trong nước và là tiền đề để phát huy vai trò của thị trường này trong quá trình phát triển. Trên lĩnh vực nông nghiệp, Dự thảo đã xác định được tầm quan trọng của khu vực sản xuất nông nghiệp, cụ thể: mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là mô hình phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, trong nhân dân cũng có tiềm năng lớn về nguồn lực, nhất là vốn. Do đó, xin bổ sung cụm từ “trong nhân dân” để sửa câu “Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài” thành: “Phát huy vai trò quyết định của nội lực, trong nhân dân đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài”. Cụm từ “trong nhân dân” nhằm làm rõ và nhấn mạnh thành tố quan trọng của phát huy nội lực.
NGÔ KIỀU LINH
(Tổ dân phố Tân Xuân 3, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)