Vét sạch nguyên liệu thô để xuất khẩu
Doanh nghiệp cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu chứ không bán cho doanh nghiệp trong nước
- Có một thực tế đáng phải suy nghĩ là hiện nay với nhiều mặt hàng nông sản như cao su, thủy sản, cà phê, tiêu, điều…, người sản xuất và doanh nghiệp chỉ thích bán nguyên liệu cho đối tác nước ngoài. Trong khi doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong nước thì đỏ mắt đi tìm mua nguyên liệu.
Chỉ thích xuất khẩu
Ông Đinh Ngọc Đạm, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, cho biết công ty của ông vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vỏ xe radiant với công suất 600.000 chiếc. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và các nước trong khối ASEAN.
Tuy nhiên, khó khăn mà Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đang gặp phải chính là việc không tìm được nguồn mua nguyên liệu ổn định trong nước. Do giá mủ cao su tăng liên tục từ tháng 10 năm ngoái đến nay, doanh nghiệp cao su chỉ tập trung cho xuất khẩu chứ không bán cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) kiêm Quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cho hay Việt Nam là nước xuất khẩu mủ cao su đứng hàng thứ tư thế giới.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay một số nhà sản xuất, chế biến cao su trong nước lại đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thậm chí ngay cả những thương hiệu sản xuất cao su nổi tiếng thế như Kumho, Kenda… khi vào Việt Nam đầu tư cũng không tìm được nguồn nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước ngoài.
“Hiệp hội ước tính doanh nghiệp sản xuất chỉ sử dụng khoảng 140.000 tấn mủ cao su. Trong khi đó, năm 2010, Việt Nam xuất khẩu trên 780.000 tấn cao su nguyên liệu. Vậy tại sao doanh nghiệp trong nước lại không mua được nguồn nguyên liệu trong nước” - ông Thung đặt câu hỏi.
Theo ông Đạm, đồng ý là việc xuất khẩu nguyên liệu thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước. Nhưng trong tình hình hiện nay, Nhà nước đang hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô để tập trung phục vụ sản xuất trong nước, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Lẽ nào doanh nghiệp sản xuất mủ cao su đang đi ngược lại chủ trương của Nhà nước?
Doanh nghiệp ngoại trực tiếp mua cà phê, tiêu
Còn nhớ ở thời điểm giá cà phê tăng lên hơn 40.000 đồng/kg (hiện nay giá cà phê xấp xỉ 50.000 đồng/kg), dân trồng cà phê ùn ùn bán cho doanh nghiệp nước ngoài. hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài thay vì mua sỉ thông qua trung gian như trước đây thì nay họ tổ chức mạng lưới thu gom chân rết đến trực tiếp các vùng nguyên liệu.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho hay hiện tỉ lệ các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào xuất khẩu cà phê tại Việt Nam chiếm tới 40%. Nếu thu gom trực tiếp hàng trong dân thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh nổi vì tiềm lực vốn nhỏ, khả năng huy động vốn yếu và lãi suất ngân hàng rất cao.
“Đặc biệt, việc các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê trong dân là trái với quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, tại Thông tư 09/2007/TT-BTM ngày 17/7/2007 của Bộ Công Thương nêu rõ: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu” - ông Tự cho hay.
Gần đây, khi giá tiêu tăng cao, một lần nữa nhiều doanh nghiệp thu mua trong nước phải đứng nhìn cảnh người trồng tiêu ưu tiên bán tiêu cho các thương nhân nước ngoài.
Phải xem lại mình
Các đối tác nước ngoài giành phần kiểm soát khâu thu mua nguyên liệu nhiều mặt hàng nông sản ngay tại Việt Nam phần nào đó gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, xét cho cùng thì việc để các đối tác nước ngoài ngày càng lấn sân cũng bắt nguồn từ cung cách làm việc yếu kém, thiếu uy tín và sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong nước.
Ông Lê Quang Thung, Chủ tịch VRA, cho hay thông thường vào tháng 11 hằng năm, các doanh nghiệp cao su ký hợp đồng mua bán nguyên liệu với đối tác cho cả năm sau. Sau khi hợp đồng đã ký, dù giá cao su thế giới có tăng hay giảm, doanh nghiệp nước ngoài vẫn cam kết lấy hàng, thậm chí còn hỗ trợ khi có khó khăn. Nhưng nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, mỗi khi thị trường biến động, người bán có nguy cơ bị xù hàng.
“Chính cách làm này nên nhiều nhà sản xuất nguyên liệu vẫn muốn xuất khẩu thay vì dành đơn hàng cho doanh nghiệp trong nước” - ông Thung cho biết.
Ngoài ra, theo ông Thung, việc các thương hiệu cao su nổi tiếng thế giới dù đầu tư nhà máy tại Việt Nam nhưng vẫn nhập khẩu nguyên liệu là do họ chưa tin tưởng vào chất lượng mủ do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Hiện một số doanh nghiệp nhân giá cao su tăng cao, thị trường hút hàng đã pha trộn nhiều tạp chất trong nguyên liệu.
Phải thừa nhận rằng từ khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia thu mua, giá nhiều mặt hàng nông sản tăng vọt. Nông dân cũng có thêm nhiều sự lựa chọn để không bị ép giá như trước đây. Thậm chí không ít ý kiến cho rằng cần phải tạo ra cơ chế bình đẳng trong việc thu mua nguyên liệu giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đó, nông dân sẽ được hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh này.
Có thể thấy rằng để xảy ra tình trạng yếu thế ngay trên sân nhà, một phần do sự chủ quan của doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp chỉ biết quyền lợi của mình bằng cách ép giá thu mua, bội tín với đối tác… mà quên đi lợi ích của đối tác, nông dân. Vì vậy khi gặp khó khăn, điều dễ hiểu, doanh nghiệp sẽ bị đối tác và nông dân quay lưng.
PL TPHCM