Nâng cao trách nhiệm của đơn vị thực hiện đề án khuyến công Kinh nghiệm hay từ khuyến công Hà Nội |
Ông Đỗ Ngọc Linh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng cho biết, do là tỉnh miền núi, vùng cao, điều kiện phát triển khó khăn, cơ cấu kinh tế hết sức nhỏ. Đối tượng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công đa phần là cơ sở có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, sản xuất phân tán, năng lực và tiềm lực tài chính hạn chế gây khó khăn trong đổi mới ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.
“Thậm chí có những cơ sở đã được hỗ trợ nhưng không thực hiện được đề án, phải trả lại kinh phí khuyến công, ảnh hưởng tới triển khai kế hoạch khuyến công hàng năm”, ông Linh cho hay.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng - một trong những đơn vị được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Ảnh: KX |
Đặc biệt, Cao Bằng có 2 nội dung trong chương trình khuyến công hiện chưa thực hiện được, gồm: Liên doanh kiên kết hợp tác phát triển cụm công nghiệp; hợp tác hỗ trợ quốc tế về công tác khuyến công.
Về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Công Thương Cao Bằng lý giải, do nhận thức của chính quyền cơ sở chưa sâu, chưa thấy rõ vai trò thiết thực của hoạt động khuyến công. Từ đó, công tác phối hợp tuyên truyền với các cấp, các ngành hạn chế, chưa tạo lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp.
Tỉnh cũng chưa xây dựng được mạng lưới khuyến công, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến công tác tuyên truyền về khuyến công cũng như triển khai công tác khuyến công còn nhiều khó khăn.
Thiếu kinh phí cho triển khai công tác khuyến công cũng là một khó khăn lớn của Cao Bằng. Ông Linh cũng cho hay, năm 2023 công tác khuyến công của tỉnh chủ yếu lồng ghép triển khai với các nội dung khác mà không được phê duyệt kinh phí. Năm 2024, Sở Công Thương đã trình Kế hoạch với tỉnh nhưng khả năng cũng không được phê duyệt.
Bên cạnh những khó khăn trên, lãnh đạo Sở Công Thương Cao Bằng cũng nhìn nhận, những năm qua, công tác khuyến công đã phần nào phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Cao Bằng đã ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực khuyến công để các tổ chức, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn triển khai thực hiện, như Chương trình khuyến công giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2020-2025.
Hàng năm, Sở Công Thương Cao Bằng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc công tác khuyến công trên địa bàn các huyện, thành phố để nâng cao hoạt động. Địa phương cũng đã có những mô hình công nghiệp nông thôn hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất công nghiệp.
Giai đoạn 2012-2022, tỉnh đã triển khai nội dung khuyến công với 99 đề án, huy động được hơn 96 tỷ đồng kinh phí đối ứng từ đối tượng thụ hưởng, trong đó khuyến công quốc gia triển khai 39 đề án, địa phương 60 đề án.
Các đề án tập trung vào các nội dung: Đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, nâng cao năng lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vảo sản xuất, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
“Hoạt động khuyến công đã giúp cơ sở mạnh dạn đầu tư hơn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, tăng giá trị sản xuất công nghiệp”, ông Linh nhận định.
Tuy vậy, những tồn tại đang ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả công tác khuyến công của địa phương. Được biết, Sở Công Thương Cao Bằng đã xác định một số giải pháp tháo gỡ. Trong đó, chủ động rà soát chính sách khuyến công tại địa phương nhằm đảm bảo các hoạt động triển khai khả thi, đúng quy định, chủ trương của nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Củng cố tăng cường công tác khuyến công từ cơ sở, phân công phân cấp cán bộ về công tác khuyến công. Chỉ đạo phòng Kinh tế hạ tầng/Kinh tế của các huyện tăng cường công tác khảo sát, triển khai các đề án khuyến công. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.
Nhưng để địa phương thuận lợi hơn trong triển khai công tác khuyến công, lãnh đạo Sở Công Thương Cao Bằng đề nghị, Cục Công Thương địa phương tham mưu Bộ Công Thương xem xét sửa đổi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công. Bởi lẽ, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến khuyến công, doanh nghiệp, công nghiệp nông thôn đã có nhiều thay đổi, việc sửa đổi Nghị định 45 là cần thiết để phù hợp với thể chế, đồng thời dễ dàng cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Mặt khác, với các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn như Cao Bằng, đề nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ cấp kinh phí khuyến công nhiều hơn nhằm hỗ trợ tỉnh phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung.