Vì sao Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị siết chặt nhập lậu gia súc, gia cầm?
Tiếp tục kiến nghị
Trong đơn gửi tới Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết 2 tuần đầu năm, trung bình mỗi đêm có 6.000 - 7.000 con heo từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang bắt giữ số lượng lớn heo nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Ảnh: Thúy An - Báo Cần Thơ |
Theo tính toán của hiệp hội này, số lượng heo nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Với giá bán chỉ trên dưới 50.000 đồng/kg heo hơi, khiến người chăn nuôi trong nước thua lỗ vì phải bán heo hơi dưới giá thành sản xuất.
Ngoài ra, hiệp hội cho rằng heo nhập lậu tràn lan làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương lai, đàn heo nội địa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng gây thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Do đó, bằng công văn này, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai tha thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát lực lượng thú y các địa phương, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Trước đó, trong năm 2023, hiệp hội này đã 2 lần kiến nghị Thủ tướng về tình trạng heo nhập lậu ồ ạt vào Việt Nam. Trong đó, hiệp hội cũng từng gửi tâm thư tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.
Câu chuyện gia súc, gia cầm nhập lậu cũng đã được bàn tới tại cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/1/2023. Theo thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp, năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu.
Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu "ồ ạt" về Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Dabaco - "đại gia" chăn nuôi tại miền Bắc - cho biết chăn nuôi trong nước không những gặp khó do giá bán thấp mà còn phải xoay xở để cạnh tranh với thịt ngoại. Bên cạnh đó, vấn đề lớn hơn là tình trạng thịt nhập lậu quá nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - khẳng định, tình trạng nhập lậu là vấn đề lớn, tạo nguy cơ cao đối với ngành chăn nuôi. Thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam không theo con đường chính ngạch mang lại rủi ro dịch bệnh và hậu quả từ việc các sản phẩm chăn nuôi này có thể bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, ngành chăn nuôi không thể phát triển được. Cần có chính sách đặc thù để tăng tính tự vệ cho ngành chăn nuôi.
"Dù hằng năm sản phẩm chăn nuôi đều tăng, chúng ta lại cho nhập thịt thoải mái, khủng khiếp nhất là nhập lậu. Đây là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi. Trong khi sản phẩm chăn nuôi nhập lậu đều không phải chịu thuế, không được kiểm soát dịch bệnh hay chất cấm, sản phẩm chăn nuôi trong nước lại phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm", ông Dương cảnh báo.
Nhiều giải pháp đã được đề xuất
Theo cơ quan chức năng, tình trạng gà Thái Lan, Hàn Quốc nhập lậu qua Lào sẽ trở thành gà thông thường vì Việt Nam không kiểm dịch. Trong khi tại ở Thái Lan, giá thành gà đẻ thải loại chỉ 20.000 đồng/con, gà này tiêm quá nhiều hormone, độc hại nên các nước không ai ăn nhưng rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt nhập gà thải loại này về bán với giá từ 40.000 đến 60.000 đồng/con.
Tương tự, heo cũng vậy, như ở Thái Lan chỉ 37.000 đồng/kg, về đến Bình Phước và Quảng Trị là 42.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi trong nước đã 50.000 đồng/kg, tính ra lãi 8.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh thịt gia súc, gia cầm nhập lậu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng triệu hộ chăn nuôi trong nước, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam phải có biện pháp tự vệ, phải có những hàng rào kỹ thuật đủ mạnh khi đàm phán với các nước xuất khẩu sang Việt Nam.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ để có chính sách đặc thù để tự vệ, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững", ông Nguyễn Xuân Dương đề nghị.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Thông - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam - đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ gia súc sống qua biên giới vào Việt Nam vì nguồn lây lan dịch bệnh khó kiểm soát, nguồn thực phẩm thiếu an toàn, không kiểm soát được tận gốc.
Cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến năm 2021 còn 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Nếu không sớm ngăn chặn nhập lậu và có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng có nguy cơ bị xóa sổ về chăn nuôi.
Việc nhập lậu gia súc, gia cầm không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi trong nước có thêm một năm "mệt mỏi". Do đó, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y cần rà soát lại các quy định của ngành để siết chặt việc nhập khẩu thịt.
Nhận định tình hình buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán này, ông Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc buôn lậu gia súc gia cầm và xem xét khởi tố một số vụ buôn lậu để tăng tính răn đe.
Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cũng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ siết chặt việc đánh giá, chấp thuận cho một quốc gia xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật vào Việt Nam.
Những quốc gia được phép xuất khẩu từ năm 2015 trở về trước, Cục Thú y sẽ rà soát lại toàn bộ để làm sao sát thực tế và kiểm soát chặt việc nhập khẩu.