Thêm đối thủ mới của sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc Sầu riêng Việt Nam xuất sang EU bị kiểm tra dư lượng ngay tại cửa khẩu |
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Vừa qua, thông tin sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU lần đầu tiên bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng tại cửa khẩu với tần suất 10%, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
Theo quy định của EU, cứ 6 tháng 1 lần, Nghị viện châu Âu sẽ họp với các bên liên quan để tăng hoặc giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, thức ăn chăn nuôi của các nước thứ 3 khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Đây là quy định của EU và được áp dụng thường xuyên.
Sầu riêng Việt Nam xuất sang EU bị kiểm tra dự lượng ngay tại cửa khẩu |
Căn cứ vào dữ liệu xuất khẩu của các nước thứ ba vào EU, nếu vi phạm thì EU đưa vào Phụ lục 1 (kiểm soát ở biên giới) hoặc sẽ tăng tần suất kiểm tra 10%, 20%, 30%, 50% thậm chí có thể lên tới 75%, hoặc chuyển đổi sang Phụ lục 2 (phụ lục yêu cầu phải có giấy chứng nhận về kết quả phân tích lấy mẫu trước khi nhập khẩu vào EU). Hoặc EU có thể đưa ra khỏi danh sách kiểm tra ở biên giới và cũng không yêu cầu phải cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm hay kết quả phân tích mẫu trước khi nhập khẩu vào EU nếu hàng hóa đảm bảo chất lượng.
Tất cả các nước thứ ba khi xuất khẩu hàng hóa vào EU phải tuân thủ quy định này.
Liên quan đến thông báo mới nhất của Ủy ban châu Âu gửi cho Ban thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tôi xin nhắc lại đây là thông báo của Ủy ban châu Âu gửi Ban Thư ký của WTO để thông báo rộng rãi cho tất cả các thành viên WTO để tuân thủ chứ không phải là cảnh báo của EU đối với các mặt hàng nông sản của các nước khi nhập khẩu vào EU.
Liên quan đến thông báo này, Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát của EU khi nhập khẩu vào thị trường này. Trong đó, tại Phụ lục 1, đối với các mặt hàng chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: Ớt chuông có tần suất biên giới kiểm tra 50%; mỳ ăn liền có tần suất kiểm tra biên giới 20%. Hai mặt hàng này cũng đã bị quy định trong năm 2023. Trong năm 2024, thông báo này vẫn giữ nguyên theo quy định cũ.
Trong Phụ lục 1 này có bổ sung thêm mặt hàng sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Với Phụ lục 2, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới thì phải bổ sung thêm chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU, Việt Nam có 2 mặt hàng là đậu bắp và thanh long với tỷ lệ tương ứng là 50% và 20%. Hai mặt hàng này cũng nằm trong thông báo của 6 tháng cuối năm 2023.
Như vậy, so với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, chúng ta có 4 mặt hàng gồm đậu bắp, mỳ ăn liền, ớt chuông, thanh long vẫn giữ nguyên tần suất kiểm tra như giai đoạn trước. Chỉ riêng có mặt hàng sầu riêng thì bổ sung tần suất kiểm tra là 10%.
Lý do gì khiến sầu riêng Việt Nam bị đưa vào diện kiểm soát biên giới lần này, thưa ông?
Theo dữ liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm 2023, Việt Nam chỉ có 3 lô hàng sầu riêng rất đáng tiếc là bị vi phạm vào quy định của EU. Vì vậy, phía EU đã đưa vào diện kiểm soát với tần suất 10%.
Như vậy, trong 1 container có 100 thùng hàng, phía EU sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên 10 thùng để kiểm tra các mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của EU.
Việc tăng cường kiểm soát đối với sầu riêng trong đợt này có ảnh hưởng gì đến hoạt động xuất khẩu nông sản vào thị trường EU không, thưa ông?
Tôi cho rằng việc này không ảnh hưởng nhiều đến các mặt hàng bởi vì trong thương mại nông sản, việc kiểm soát biên giới đối với tất cả các mặt hàng nông sản là việc hết sức bình thường. Ngay như tại Việt Nam, khi chúng ta nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm thì chúng ta cũng sẽ kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc này tương tự như các thị trường khác, họ cũng đưa ra những quy định để kiểm soát tại biên giới, kiểm soát ngay tại cửa khẩu hoặc kiểm soát khi hàng lưu thông trên thị trường của nước nhập khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam |
Đối với mặt hàng sầu riêng Việt Nam, chúng tôi cho rằng trong thời gian vừa qua Việt Nam đã làm tốt công tác an toàn thực phẩm. Đã có rất nhiều các hội nghị, hội thảo, cũng như các chương trình để khuyến nghị cho bà con nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp để trong quá trình canh tác, thực hành nông nghiệp đến quá trình sơ chế, đóng gói sản phẩm phải tuân thủ các quy định của thị trường.
Tuy nhiên, có thể 3 lô hàng sầu riêng bị phát hiện trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể do sơ xuất trong quá trình chúng ta kiểm soát và quy định vi phạm của EU, từ đó, dẫn đến việc EU đưa vào danh mục tăng tần suất kiểm tra biên giới lên 10%.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã có sự phối hợp, liên kết với nhau trong việc kiểm soát tốt mức dư lượng, thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng nói riêng và các loại nông sản nói chung thì tôi tin rằng trong 6 tháng cuối năm 2024, phía EU sẽ có thể xem xét và đưa sầu riêng ra khỏi danh sách kiểm tra với tần suất 10% này.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn còn 5 mặt hàng đang trong diện bị EU kiểm soát, theo ông, đâu là giải pháp để các mặt hàng này cũng dần được đưa ra khỏi danh sách diện kiểm soát?
Trước đây, chúng ta cũng có nhiều mặt hàng bị EU đưa vào diện kiểm soát với tần suất kiểm tra biên giới cũng tương đối cao. Nhưng đến năm 2022, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là việc bà con nông dân đã kiểm soát tốt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, một số mặt hàng rau, gia vị của Việt Nam đã được EU đưa hẳn ra khỏi Phụ lục 1 danh mục tần suất kiểm tra biên giới.
Do vậy, hiện chúng ta chỉ còn 4 mặt hàng của giai đoạn trước và cộng thêm mặt hàng sầu riêng. Để các mặt hàng này cũng dần dần được đưa ra khỏi danh sách diện kiểm soát, chúng tôi cho rằng, đầu tiên là người nông dân trong quá trình tổ chức canh tác cần cố gắng tuân thủ đúng quy định của EU về kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật.
Trong quá trình canh tác, bà con cần lưu ý, nắm thật chắc các hoạt chất mà EU không cho phép sử dụng. Còn lại những hoạt chất mà EU cho phép hoặc Việt Nam cho phép sử dụng thì chúng ta phải tuân thủ 4 đúng trong quá trình canh tác. Đồng thời, cần tích cực chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học thì sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó là sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Hiện nay, không riêng thị trường EU mà hầu hết các thị trường, nếu như một doanh nghiệp bị vi phạm, bị cảnh báo thì sẽ bị ảnh hưởng đến cả ngành hàng nông sản Việt Nam.
Bởi nếu chúng ta kiểm soát không tốt thì cũng có thể 6 tháng tiếp theo, phía EU sẽ có thể xem xét đưa sầu riêng vào danh sách Phụ lục 2 – tức là ngoài việc chịu tần suất kiểm tra biên giới 10% thì sầu riêng Việt Nam còn bị yêu cầu cấp thêm giấy chứng nhận về lấy mẫu và phân tích lấy mẫu sầu riêng gửi kèm theo lô hàng khi xuất khẩu vào thị trường này. Việc này sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý về luật chơi quốc tế, đặc biệt là với thị trường EU. Bởi không riêng mặt hàng sầu riêng mà tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đi các nước phải lưu ý tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm soát, tăng tần suất kiểm soát biên giới cũng như yêu cầu thêm các thủ tục, chứng nhận, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!