16 năm hình thành và phát triển đánh dấu nhiều thay đổi chóng mặt.
Chỉ số chứng khoán VN-Index đã có những biến động thăng trầm từ mốc đỉnh 1.170 điểm (đầu năm 2007) đến điểm đáy 235 điểm (tháng 2/2009), kéo theo làn sóng ngày càng đông nhà đầu tư tham gia thị trường. Điều này thể hiện qua diễn biến gia tăng số tài khoản giao dịch chứng khoán nhà đầu tư nội và tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 năm trở lại đây.
Sự ra đời của 2 sàn giao dịch chứng khoán niêm yết, rồi sau này là sàn giao dịch của các cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM) đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kể từ khi đi vào hoạt động Sở GDCK TP. HCM vào 20/7/2000 và Sở GDCK Hà Nội vào ngày 8/3/2005, làn sóng cổ phần hóa, IPO, niêm yết đã tạo nên “cơn địa chấn”, làm thay đổi cả về lượng và chất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng cổ phiếu niêm yết, giao dịch gia tăng mạnh mẽ trong 16 năm qua.
So với con số rất khiêm tốn 2 cổ phiếu niêm yết lúc thị trường mới hình thành thì hiện nay, số lượng cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán (tính cả UPCoM) vào khoảng 1.000. Số cổ phiếu sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong một vài năm tới khi các doanh nghiệp trong Chương trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2014-2015 lần lượt lên niêm yết, giao dịch.uy mô thị trường gia tăng nhanh chóng, song 10 năm trở lại đây, nếu tính từ thời điểm 4/5/2006, khi VN-Index dao động ở mốc 601,3 điểm thì đến ngày 5/5/2016, VN-Index vẫn đứng ở ngưỡng 601,5 điểm. Chỉ số chứng khoán không mấy thay đổi, trong khi quy mô nền kinh tế tăng lên cùng với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong 10 năm qua vào khoảng 6,4%/năm. Hơn nữa, các quỹ đầu tư nước ngoài đã và đang tăng tỷ trọng giải ngân vào thị trường Việt Nam, chưa kể đến sự tham gia của các quỹ ETF ngoại (FTSE Việt Nam, VNM ETF…) rồi 2 quỹ ETF nội.
Trong năm 2008 và giai đoạn 2010 - 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng, nhà đầu tư mất niềm tin. Nhiều cú sốc đã gây ra không ít biến động lớn trên thị trường chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bị đào thải khỏi thị trường, thậm chí phá sản, VN - Index lao dốc. Qua sóng gió, nhà đầu tư cũng nhận thức rõ hơn về bản chất của thị trường chứng khoán, đầu tư có chọn lọc hơn. Xu hướng đầu cơ đã dần được thay thế bởi chiến lược đầu tư có trọng điểm, có định hướng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cũng như các sở giao dịch cũng dần hoàn thiện khung văn bản pháp lý quy định về giao dịch, giao dịch ký quỹ đối với các cổ phiếu niêm yết. Thời gian giao dịch, các lệnh giao dịch cũng được áp dụng theo chuẩn của thị trường chứng khoán hiện đại. Giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về cũng sẽ sớm được áp dụng theo Thông tư 203/2015/TT-BTC.
Nếu việc thành lập riêng biệt hai sở giao dịch GDCK TP. HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) mang tính “thử nghiệm” từ năm 2005 thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp niêm yết, thì việc hợp nhất hai Sở GDCK dự kiến được triển khai từ nay cho đến cuối năm 2016, chậm nhất là đầu năm 2017, sẽ mang lại hiệu ứng tốt cũng như thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp sẽ được sàng lọc kỹ càng, tiêu chuẩn niêm yết sẽ rõ ràng minh bạch hơn hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tìm ra các doanh nghiệp tốt phụ hợp với nhiều tiêu chí đầu tư khác nhau.
Mặc khác, Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành và đi vào thực thi với mục tiêu định hướng dòng tiền chảy vào kênh đầu tư chứng khoán một cách lành mạnh với mục tiêu phát triển bền vững. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cùng với việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại cổ phần được triển khai quyết liệt, nhằm phát triển hệ thống ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ chuyển dịch từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi sẽ là bước ngoặt quan trọng, thu hút sự quan tâm, dòng tiền đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài. Kinh tế vĩ mô được cải thiện, môi trường đầu tư hấp dẫn, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng tác động từ thị trường tài chính toàn cầu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là điểm sáng khi P/E thị trường hấp dẫn (13 lần) so với khu vực và trên thế giới. Quy mô thị trường đã từng bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và là kênh thu hút vốn. Giai đoạn 2000-2005, vốn hóa thị trường chỉ đạt tầm 1% GDP và tăng trưởng mạnh mẽ lên khoảng 22,6% GDP năm 2006 (thời kỳ đỉnh bùng nổ của thị trường chứng khoán) thì con số này đã gia tăng mạnh lên 37,71% vào năm 2009 và đến cuối năm 2015, con số này tầm khoảng 55 - 58% GDP (Số liệu TTNC, MSI 2015).
Xét về thanh khoản của toàn thị trường, chúng ta có thể thấy quá trình phát triển và hội nhập thị trường chứng khoán vào khu vực cũng như trên thế giới đang trở nên mạnh mẽ hơn. Khối ngoại liên tục mua ròng trong 10 năm liên tiếp, chưa kể đến các quỹ đầu tư cũng tham gia ngày càng nhiều vào thị trường. Nếu cho đến cuối năm 2015, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán chỉ là 1,5 triệu tài khoản thì con số này dự báo sẽ gia tăng gấp 2, gấp 3 lần trong thời gian tới.
Cách đây chục năm, giá trị giao dịch trung bình trên cả 2 sàn giao dịch nhỏ hơn 500 tỷ đồng/ngày, thì hiện nay con số này đã gấp 5 lần. Ngay cả lúc thị trường giao dịch ảm đạm nhất, thanh khoản của thị trường cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều so với giai đoạn 2000 - 2005.
Thị trường đã cải thiện về quy mô, thanh khoản cũng như về chất các doanh nghiệp niêm yết, các sản phẩm giao dịch mới được triển khai cũng như tích lũy cung - cầu cổ phiếu và như vậy, cần nhiều thời gian để dao động đi ngang biên độ 520 - 620 điểm, trước khi bứt phá mạnh vượt lên các mốc 640, 680, 700 điểm và thậm chí cao hơn trong thời gian tới.
Vấn đề quan trọng ở đây là thời gian!