Các đề tài khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao |
Nhằm phát triển vật liệu xử lý môi trường theo hướng không phát sinh chất thải thứ cấp, thời gian qua, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã có nhiều nghiên cứu thông qua các đề tài thuộc Đề án "Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015 tầm nhìn 2025" do Bộ Công Thương chủ trì. Điển hình trong số đó là cụm công trình: Nghiên cứu công nghệ chế tạo bộ xử lý khí thải từ động cơ đốt dầu diesel bằng xúc tác nano; nghiên cứu công nghệ và chế tạo hệ thiết bị đa cấp để xử lý hiệu quả và triệt để khí ô nhiễm trong quá trình sản xuất cồn sinh học từ sắn lát và nghiên cứu ứng dụng công nghệ hấp phụ - xúc tác không bã thải để xử lý nước thải chứa các chất hữu cơ dạng vòng thơm.
Bà Vũ Thị Thu Hà - Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc - cho biết, qua thực hiện các nghiên cứu đã cho ra một số kết quả nhất định; vật liệu điều chế được thử nghiệm xử lý môi trường trong thực tế cho kết quả rất khả quan.
Theo bà Hà, công nghệ hấp phụ - xúc tác để xử lý nước thải chứa các chất hữu cơ dạng vòng thơm là công nghệ tiên tiến, khắc phục được hầu hết các nhược điểm của những công nghệ hiện hành. Hơn thế, công nghệ này có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật gấp nhiều lần so với các công nghệ hiện có. Đơn cử như than hoạt tính Trà Bắc chứa các tâm kim loại được lựa chọn là vật liệu xử lý các hợp chất hữu cơ vòng thơm có trong nước thải. Công nghệ này được triển khai lắp đặt và thử nghiệm tại Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam (Khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội), trên hệ thiết bị có công suất 70 – 100m3/ngày. Kết quả thử nghiệm cho thấy, nước thải của công ty sau khi xử lý qua hệ thiết bị hấp phụ - hoàn nguyên đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B (QCVN 40:2011/BTNMT), khí thải từ ống khói tháp hấp phụ - hoàn nguyên đạt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp (QCVN 19:2009/BTNMT).
Với công nghệ xử lý ô nhiễm trong quá trình sản xuất cồn sinh học từ sắn lát, hướng nghiên cứu của Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu là chế tạo 3 loại vật liệu xúc tác - hấp phụ để xử lý khí ô nhiễm với thành phần chủ yếu là H2S. Vật liệu hấp phụ - xúc tác trên cơ sở than hoạt tính biến tính bằng ô-xít kim loại, có khả năng xử lý các thành phần khí còn lại trong khí thải. Kết quả của đề tài đã được đặt hàng ứng dụng thử nghiệm tại Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.
Riêng với đề tài xử lý khí thải động cơ đốt dầu diesel bằng chất xúc tác nano, các kết quả thử nghiệm cho thấy, bộ xử lý khí thải có khả năng triển khai ứng dụng trên động cơ diesel, góp phần giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, giúp hiện thực hóa lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 với xe ôtô và mô tô.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của cụm đề tài bước đầu giúp các nhà máy, khu công nghiệp có cơ hội ứng dụng, thử nghiệm quy trình công nghệ mới với hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, thân thiện môi trường và có khả năng phát triển ở quy mô lớn. |