CôngThương - Số đánh giá “tốt” hoặc “xuất sắc” về tình hình kinh doanh hiện tại của họ chiếm 36%, tăng 4% so với quý trước. Đầu năm 2011, tỉ lệ này ở mức 64%. Đặc biệt, số doanh nghiệp có quan điểm tiêu cực về tình hình kinh doanh năm nay cao hơn 14% so với thời điểm này năm trước, ở ngưỡng 26%.
Không chỉ vậy, lạm phát cao vẫn còn là mối lo lớn của nhà đầu tư châu Âu. 53% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh của họ và 36% cho rằng họ bị một số tác động. 8% đánh giá lạm phát thực sự đe dọa công việc kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hơn nữa, phần lớn các nhà kinh doanh châu Âu tại Việt Nam đều lo ngại về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. 65% công ty tham gia khảo sát bi quan cho rằng tình hình sẽ tiếp tục đi xuống.
Cũng theo báo cáo này, 39% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2012 sẽ “tốt” hoặc “xuất sắc”, tăng 12% so với quý IV/2011. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm 2011, con số này đã giảm rất mạnh tới 33%. Như vậy, dù chiều hướng đi xuống liên tục về quan điểm kinh doanh trong các tháng gần đây đã tạm thời dừng lại.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp muốn tăng đầu tư tại Việt Nam cũng chỉ còn 38%, giảm mạnh so với tỉ lệ 67% vào cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, 24% doanh nghiệp có kế hoạch giảm đầu tư tại Việt Nam. Có 34% doanh nghiệp được hỏi cho rằng tham nhũng làm giảm hoặc trì hoãn “đáng kể” đầu tư của họ tại Việt Nam. Trong khi đó, quý IV năm 2011, con số này chỉ là 28% . Như vậy, tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp châu Âu.
Ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham Việt Nam đánh giá: “Mức độ lòng tin của doanh nghiệp vẫn còn xa so với mức của năm ngoái. Điều đó cho thấy sự không chắc chắn giữa các nhà đầu tư vẫn còn. Các vấn đề cơ cấu chính vẫn chưa được giải quyết như việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô là hai ví dụ chính”.
Thêm vào đó, theo TS. Matthias Duehn - Giám đốc điều hành EuroCham, khủng hoảng nợ của châu Âu càng khiến các nhà đầu tư bất an và tác động đến đầu tư châu Âu tại Việt Nam. Doanh nghiệp châu Âu đang tăng cường tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN. Trước tình hình đó, để giữ chân và thu hút được các nhà đầu tư châu Âu, “Việt Nam cần tăng cường các nỗ lực để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực”- ông Matthias Duehn nhấn mạnh.