Ông Hiroshi Karashima kiến nghị một số giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Việt Nam |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hiroshi Karashima cho rằng, mức tăng lương tối thiểu hàng năm tại Việt Nam đã vượt đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Phillipines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Nếu bao gồm cả chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.
Trong khảo sát đối với doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tại Việt Nam 75,5% doanh nghiệp đã trả lời rằng, việc tăng tiền lương đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh.
“Chúng tôi lo ngại Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng, Tôi cho rằng sẽ là chiến lược khi xác định mức tăng lương tối thiểu thích hợp hàng năm dựa trên mức tăng CPI”, ông Karashima nhận xét. Đại diện JBAV khuyến nghị Việt Nam cần xem xét tăng lương tối thiểu dựa trên tốc độ gia tăng giá tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để tăng sức sản xuất và gia tăng sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài, JBAV cho rằng, Việt Nam cần hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).
“Tôi nhận thấy rằng, đề xuất mới về “Dự thảo Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ” được đưa ra tại Quốc hội cho thấy Việt Nam nhận thức rất rõ về vấn đề này, tôi đánh giá rất cao”, ông Karashima nhận định.
Để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, ông Hiroshi Karashima cho rằng, cần phải có những DNVVN của Nhật Bản là những doanh nghiệp có thế mạnh và kiến thức chuyên môn cao (chẳng hạn như các nhà sản xuất khuôn mẫu) được khuyến khích chuyển giao công nghệ cho Việt Nam bằng cách hợp tác với các DNVVN trong nước.
Theo đó, hiện một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ ba. Việc di chuyển này sẽ góp phần rất lớn cho sự hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ cũng như phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, tuy nhiên, hiện việc này đang gặp phải nhiều rào cản.
Theo ông Karashima, một trong những rào cản lớn là chính sách nhập khẩu các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã được sử dụng trên 10 năm.
Đại diện JBAV khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt trong việc cho phép nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.
Một vấn đề khác JBAV khuyến nghị là cấp giấy phép lao động dễ dàng hơn cho các lao động nước ngoài được tuyển dụng tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Nới lỏng điều kiện cấp phép sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lực ngành sản xuất và nguồn lực con người.
TIN LIÊN QUAN | |