CôngThương - Thay mặt Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII về kết quả thực hiện các CTMTQG trong giai đoạn 2006-2010, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đã thực hiện 12 CTMTQG, gồm: CTMTQG về việc làm; giảm nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiển và HIV/AIDS; dân số kế hoạch hóa gia đình; vệ sinh an toàn thực phẩm; văn hóa; giáo dục và đào tạo; phòng, chống ma túy; phòng, chống tội phạm; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và CTMTQG ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng kinh phí huy động thực hiện các CTMTQG là khoảng trên 65.331 tỷ đồng. “Chính phủ đã lựa chọn, tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề bức xức, cấp bách nhất của từng ngành, từng lình vực theo cơ chế của CTMTQG, qua đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội” – ông Bùi Quang Vinh khẳng định.
Cũng theo ông Vinh, hầu hết các Chường trình đều đạt kết quả khá, trong đó, đặc biệt đáng lưu ý là Chương trình MTQG giảm nghèo. Theo đó, từ năm 2006-2010, cùng với các CTMTQG về việc làm và các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng xã nghèo… CTMTQG giảm nghèo được triển khai trên diện rộng với tổng kinh phí khoảng 4.140 tỷ đồng.
Chương trình hướng tới 8 mục tiêu, trong đó quan trọng nhất là tập trung đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; cùng cố thành quả giảm nghèo, tạo cơ hội cho các hộ dân thoát nghèo vươn lên khá giả; cải thiện một bước điều kiện sống và sản xuất ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn… Sau 5 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả, cụ thể: đã xây dựng được 2.510 công trình (trung bình mỗi xã có 9,2 công trình) hạ tầng cơ sở thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn. Đã có 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi; khoảng 150 nghìn người được miễn, giảm học phí; 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà tạm… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc xuống xuống còn 9,45% (kế hoạch là từ 10-11%) vào năm 2010, giảm được ¾ tỷ lệ nghèo so với đầu thập kỷ 1990 (tỷ lệ hộ nghèo năm 1990 là 58,1%).
Kết quả này đã giúp Việt Nam hoàn thành việc xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Nếu so sánh với chuẩn thu nhập 1USD/người/ngày thì Việt Nam đã vượt xa Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là “giảm 50% người dân có mức thu nhập dưới 1USD/ngày trong giai đoạn 1990-2015”
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, vẫn còn 2/8 chỉ tiêu của Chương trình chưa hoàn thành, trong đó, chỉ có 3,7/kế hoạch 4,2 triệu hộ nghèo được chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn và 16,4 triệu/kế hoạch 19 triệu lượt người nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường học. Đặc biệt, đến nay, vẫn có tới 4 mục tiêu chưa có đánh giá, gồm: mục tiêu đến năm 2010 tăng thu nhập của nhóm hộ nghèo lên gấp 1,45 lần; mục tiêu 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn; mục tiêu 100% số người nghèo được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm và 98% số người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Đánh giá chung về những tồn tại trong việc thực hiện các CTMTQG giao đoạn 2006-2010, trong đó có Chương trình giảm nghèo, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận còn có những yếu kém từ việc xác định, lựa chọn mục tiêu đến công tác chỉ đạo, tổ chức và phối hợp thực hiện.
Từ những đánh giá này, Chính phủ đã nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn các CTMTQG trong thời gian tới, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác chỉ đạo, điều hành và theo dõi, giám sát, đánh giá. Về xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, Chính phủ xác định, các CTMTQG phải được xác định mục tiêu cụ thể, rõ ràng, đo lường được và gắn liền với các giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới, việc thực hiện các CTMTQG cần tăng cường tính công khai, minh bạch.
Được biết, CTMTQG giảm nghèo tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, riêng năm 2011 tổng kinh phí cho Chương trình này là 383 tỷ đồng.