Việt Nam đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc
Sáng ngày 21/9 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Hoa Kỳ, bắt đầu chương trình tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 21- 24/9.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc |
Chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977, trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-LHQ đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Việt Nam cũng đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế -Xã hội (ECOSOC), và đặc biệt là hai lần được bầu đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2008-2009 và 2020-2021.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết, tại diễn đàn LHQ, Việt Nam sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để Việt Nam cảm ơn sự tin tưởng, tín nhiệm cao của các nước thành viên đối với Việt Nam trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời khẳng định các cam kết, nỗ lực của Việt Nam để đạt được thêm nhiều kết quả tích cực tại LHQ, Hội đồng Bảo an và các cơ chế, tổ chức của LHQ trong thời gian tới, trong đó có việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ thể hiện rõ mong muốn cùng các nước giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, nhất là vấn đề phòng chống đại dịch Covid-19.
Theo chương trình, dự kiến trong thời gian ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76; dự Hội nghị trực tuyến Thượng đỉnh Toàn cầu về Covid-19 do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamaka Harris chủ trì với chủ đề “Chấm dứt đại dịch, xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”.
Dự kiến, Chủ tịch nước sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ các quốc gia bên lề Đại hội đồng.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dành nhiều thời gian tiếp và đối thoại với lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ để tiếp tục kêu gọi, thúc đẩy các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam.
Phiên thảo luận cấp cao của ĐHĐ LHQ hằng năm là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh. Sự kiện này quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, thể hiện nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề an ninh đến phát triển, từ thách thức an ninh truyền thống như xung đột, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chạy đua vũ trang đến các thách thức phi truyền thống hoặc đang nổi lên gay gắt như phòng chống dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng…
Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ năm nay cũng sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo Lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… để cùng trao đổi, tìm ra giải pháp với những vấn đề kể trên và nhất là những giải pháp phòng chống, vượt qua đại dịch Covid-19. |