Xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ: Chặn gian lận từ gốc Bộ Tài chính: Chưa phù hợp để tăng thuế xuất khẩu gỗ dán |
Thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, năm 2021, tổng nhu cầu gỗ dán toàn cầu khoảng gần 40 tỷ USD, tương đương với khoảng trên 105 triệu m3. 11 tháng năm 2022, ghi nhận chưa đầy đủ, tổng nhu cầu thị trường toàn cầu đạt khoảng trên 28 tỷ USD, giảm so với cùng kỳ 2021 do những yếu tố bất ổn về tình hình kinh tế - xã hội thế giới.
Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn trên thế giới |
Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ dán hàng đầu gồm Trung Quốc (5,89 tỷ USD); Indonesia (2,51 tỷ USD); Nga (1,9 tỷ USD); Brazil (1,2 tỷ USD); Việt Nam (1,1 tỷ USD). Các thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn như: Hoa Kỳ (4,5 tỷ USD); Nhật Bản (1,58 tỷ USD); Đức (1,1 tỷ USD); Hàn Quốc (0,84 tỷ USD); Anh (0,8 tỷ USD).
Theo ITC, từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn, giá trị xuất khẩu tăng từ 774 triệu năm 2018 lên 1,2 tỷ USD năm 2021 và 1,1 tỷ vào năm 2022.
Hiện, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là các thị trường chính tiêu thụ gỗ dán của Việt Nam. Theo ông Vũ Quang Huy - Chi hội trưởng Chi hội gỗ dán Việt Nam, lạm phát tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp khiến hai thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam là Hoa Kỳ (chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu) và Hàn Quốc (chiếm 24% giá trị xuất) giảm nhập khẩu từ tháng 7/2022 và tới quý III/2022 tất cả các nhà nhập khẩu mua hàng đều dừng đơn hàng.
Thêm vào đó, cuối quý III/2022 vụ kiện chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) có những diễn biến mới đã ảnh hưởng đến toàn ngành gỗ dán xuất khẩu đi thị trường này. Tiếp đó là mặt hàng tủ bếp bị DOC khởi xướng điều tra đã tác động đến toàn bộ ngành tủ bếp của Việt Nam, từ đó, ảnh hưởng đến mặt hàng gỗ dán - đầu vào nguyên liệu cho mặt hàng tủ bếp.
Câu hỏi đặt ra là, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ dán Việt Nam năm 2023 sẽ ra sao? Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã ‘bắt đáy’ từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua.
Khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu gỗ dán trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, phân khúc thị trường, phân khúc sản phẩm mà các doanh nghiệp ‘nhắm tới’.
Ông Vũ Quang Huy cho rằng, đối với thị trường Hoa Kỳ, mặt hàng gỗ dán cốp pha phục vụ cho xây dựng sẽ hồi phục trước. Tiếp đến là gỗ dán phủ mặt birch (bạch dương) hoặc poplar (dương) phục vụ cho sản xuất mặt hàng tủ bếp. Dự kiến, từ tháng 3/2022 trở đi, nhu cầu gỗ dán cho sản phẩm ghế sofa cũng sẽ bắt đầu quay trở lại.
Đối với thị trường Hàn Quốc, dòng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là gỗ dán thương mại với phân khúc tầm trung. Kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt nên nhu cầu tại thị trường này cũng sẽ khó đoán định.
Malaysia - một trong 3 thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang thị trường này trong đó tập trung mạnh vào dòng gỗ dán phủ phim phục vụ cho xây dựng. Với khả năng cạnh tranh cao tại thị trường này, đây cũng là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp Việt.
Thị trường EU cũng được các doanh nghiệp đặt sự quan tâm nhất định bởi sản xuất nội địa của các quốc gia tại EU khoảng 3,5 triệu m3/năm, ngoài ra, họ còn nhập thêm ở các nước khác. Việc thiếu hụt khoảng 2 triệu m3/năm của thị trường này từ Nga do xung đột Nga - Ukraine sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các nhà máy gỗ dán của Việt Nam.
Trên thực tế, để tránh phụ thuộc vào một thị trường, đa dạng dòng hàng và đa dạng thị trường hiện đang là hướng đi của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gỗ dán tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp trong ngành này đã chủ động nắm bắt xu hướng và chủ động tìm kiếm các cơ hội để phòng ngừa rủi ro. Như với Công ty CP TEKCOM, bắt đầu phát triển sản phẩm từ tháng 10/2022, cho đến thời điểm này, doanh nghiệp này đã có một số đơn hàng nhỏ xuất khẩu sang thị trường EU.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gỗ dán vẫn đang còn những điểm yếu nội tại. Cụ thể, họ không nắm bắt được xu hướng cũng như chưa nhận biết được rủi ro và chưa chủ động tìm kiếm cơ hội để phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt mới tập trung vào chiến lược giá rẻ chứ không phải là sự độc đáo của sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp Việt bán qua công ty thương mại khiến họ không nắm được thông tin thị trường, không chủ động tiếp cận được khách hàng của mình để phát triển sản phẩm phù hợp cũng như tìm kiếm khách hàng mục tiêu.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam với nguồn vốn lớn hơn, kinh nghiệm sản xuất tốt hơn, giá thành sản phẩm rẻ hơn, tốc độ cải tiến sản phẩm nhanh hơn, quan trọng nhất sự kết nối chuỗi giá trị từ nhà cung ứng đến đầu ra đang đặt ra thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp gỗ dán Việt.
Nâng cao năng lực cạnh tranh là việc mà các doanh nghiệp buộc phải làm. Mỗi doanh nghiệp sẽ có hướng đi và cách làm khác nhau, tuy nhiên, việc xây dựng chiến lược, phân tích xu hướng thị trường, lựa chọn thị trường mục tiêu,… việc này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải làm thường xuyên và liên tục.