Việt Nam - Hoa Kỳ: Hướng tới thương mại bình đẳng, bền vững
Dấu ấn tăng trưởng vượt bậc
Quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được tiến bộ lớn với nhiều kết quả thực chất, đáp ứng được lợi ích của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai nước.
Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng 230%, trong khi XK từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường XK lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2020 - năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD).
Sản xuất ôtô tại nhà máy của Công ty Ford Việt Nam - liên doanh giữa Tập đoàn ôtô Ford của Hoa Kỳ và Công ty Diesel Sông Công |
Theo đánh giá mới đây của Wall Street Journal, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù một số lợi ích Việt Nam nhận được có thể chỉ mang tính thời điểm, song dự đoán, hoạt động XK sang Hoa Kỳ của Việt Nam sẽ còn duy trì mức khá trong trung hạn. Nếu tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt 6,5% trong năm nay theo dự đoán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ được cho là sẽ duy trì ở mức cao. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để DN Việt Nam tăng trưởng XK vào nước này.
Cân bằng cán cân thương mại
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác kinh tế - thương mại là trọng tâm và động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương. “Thông qua cơ chế của Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), trong thời gian qua, giữa hai nước đã cùng trao đổi, tìm ra giải pháp giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề kinh tế, thương mại” - bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) - đánh giá.
Các bộ, ngành của Việt Nam cũng tích cực phối hợp với Hoa Kỳ nỗ lực xử lý nhiều vấn đề, đem lại kết quả cụ thể, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại song phương, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, hai bên cùng có lợi. Việt Nam đang thực hiện kế hoạch nhập khẩu thêm hàng hóa của Hoa Kỳ như: Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nông sản, thủy sản, ôtô, máy bay, máy móc, thiết bị, giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có thế mạnh của Hoa Kỳ để nhanh chóng cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước. Trong trung hạn, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương mà hai nước là thành viên để tạo nền tảng cho hoạt động thương mại bình đẳng và bền vững.
Về phía DN, trước diễn biến thị trường thương mại thế giới ngày càng phức tạp, các quốc gia có xu hướng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại, ông C. Matthew - Luật sư Công ty luật quốc tế Dentons - nhận định: Hoa Kỳ - thị trường tiêu thụ lớn và cũng là đối tác thương mại mà nhiều quốc gia muốn thâm nhập. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng giám sát với các mặt hàng và quốc gia có thặng dư thương mại lớn, tăng nhanh bất thường trong thời gian ngắn, đặc biệt quan tâm tới vấn đề nguồn gốc thật sự của hàng hóa. Mỗi giai đoạn và đối tác khác nhau, Hoa Kỳ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam ngày càng dễ rơi vào tầm ngắm điều tra áp dụng phòng vệ thương mại. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức đòi hỏi DN Việt Nam phải quan tâm tìm hiểu thông tin khi muốn đẩy mạnh XK hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Bên cạnh hoạt động XK, DN Việt Nam cần tìm hiểu và đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ Hoa Kỳ phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và XK trở lại với giá trị gia tăng cao hơn nhằm hướng tới quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cân bằng và bền vững. |