Việt Nam kêu gọi các nhà đầu tư đồng hành thực hiện mục tiêu phát triển
Trong khuôn khổ Hội nghị WEFDavos 2023, chiều ngày 17/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam – WEF.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam – WEF - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu Việt Nam – WEF là hoạt động WEF tổ chức dành riêng cho Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos năm 2023.
Tọa đàm có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo toàn cầu của các tập đoàn thành viên WEF trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ xanh, tài chính – ngân hàng…
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hànhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển bền vững; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; kiên trì thực hiện ba đột phá chiến lược hạ tầng - thể chế - nhân lực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh triết lý phát triển của Việt Nam là lấy con người và hành tinh là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực cho phát triển bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng kêu gọi các lãnh đạo tập đoàn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển theo các định hướng:
Thứ nhất, tiếp tục tạo dựng và duy trì môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển, chủ động thích ứng linh hoạt với các diễn biến khó lường, ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, thực chất. Chú trọng phát triển các hạ tầng chiến lược về giao thông, công nghệ, hạ tầng liên vùng, hạ tầng xanh, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp đồng thời tận dụng lợi ích, cơ hội từ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký.
Thứ ba, tăng cường tận dụng các động lực tăng trưởng mới, khai thác tối đa nguồn lực tài chính, công nghệ trong nước và quốc tế thông qua các thỏa thuận về khí hậu. Thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp đi đôi với chuyển đổi số, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
UNDP sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Achim Steiner - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn UNDP đã luôn đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trong gần 50 năm qua.
Phó Thủ tướng đánh giá cao hỗ trợ của UNDP trong các dự án quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa của Việt Nam và mong muốn tiếp tục tham vấn chính sách, hợp tác kỹ thuật với UNDP về các lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm, trong đó có chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 theo hướng xanh và bền vững.
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết tại COP26, trong đó có cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để triển khai thành công Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng như quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu sông Mekong.
Phó Thủ tướng đánh giá cao hỗ trợ của UNDP trong các dự án quản lý rác thải rắn, rác thải nhựa của Việt Nam - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đánh giá cao Việt Nam đã triển khai hiệu quả các chương trình kinh tế -xã hội, đưa ra các chủ trương, chính sách thể hiện quyết tâm chuyển đổi sang kinh tế xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
UNDP tự hào được hợp tác với Việt Nam, mong muốn chia sẻ mô hình hợp tác cho các quốc gia khác và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên.