Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều đề xuất thúc đẩy hợp tác đầu tư
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt – Nhật thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đồng thời cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam đã cùng Nhật Bản phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức Hội nghị Bộ trưởng đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự thống nhất các vần đề để tiến tới triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trưởng đoàn phía Nhật chúc mừng thành tựu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2017 với con số kỷ lục vượt 38,5 tỷ USD (trong đó đầu tư từ Nhật Bản cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai Bộ về kinh tế của hai nước nói riêng (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản – METI và Bộ Công Thương Việt Nam) trong bối cảnh cùng tham gia Hiệp định CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP), bên cạnh những đòi hỏi ngày càng cao về cải thiện môi trường thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Phía Nhật cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản hiện rất quan tâm đầu tư, hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương cho các hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản thuộc Liên đoàn Keidanren trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương cam kết xây dựng chính phủ kiến tạo, trong đó coi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, sẽ tiếp tục dành nhiều chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, bằng việc cắt giảm tới một phần ba các thủ tục hành chính và 675 (chiếm tới 58,7% trong tổng số) các điều kiện kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý. Bộ trưởng hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp Keidanren đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra hai đề xuất thiết thực nhằm hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam: Thứ nhất, đề xuất về việc tổ chức đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp (Keidanren) với cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương và Bộ METI), sử dụng cơ chế hợp tác đang rất hiệu quả là các Nhóm công tác (Nhóm công tác về ô tô, Nhóm công tác về Công nghiệp hỗ trợ, Nhóm công tác về Năng lượng, …) trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp về Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng giữa Bộ Công Thương và Bộ METI. Thứ hai, đề xuất về việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Keidanren và Bộ Công Thương về những vướng mắc còn tồn đọng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách sau Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI.
Ngoài ra, tại buổi tiếp, Bộ trưởng cũng đề xuất Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản phối hợp với Bộ METI thúc đẩy triển khai các gói cam kết hỗ trợ của phía Nhật Bản dành cho Việt Nam trong Ý định thư đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ METI ký kết tháng 9 vừa qua. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của những dự án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và đặt ra yêu cầu đào tạo phải gắn với chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ thuật quản lý, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra.
Đại diện Keidanren và Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Kunio Umeda bày tỏ sự vui mừng và hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Phía Nhật cho biết sẽ trao đổi với Bộ METI để xúc tiến ngay các cơ chế hợp tác mới, coi đây là biện pháp thiết thực, hiệu quả nhất không chỉ đối với các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Việt Nam, mà còn giúp thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa thuộc KEIDANREN nói riêng và từ Nhật Bản nói chung đầu tư vào Việt Nam.
Keidanren là một liên đoàn kinh tế toàn diện của Nhật Bản, với các thành viên gồm hơn 1.350 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 146 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 32 tổ chức kinh tế khu vực đặc thù.