Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Bùi Văn Cường (ngoài cùng bên phải) |
Hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu
Trong 5 năm của nhiệm kỳ 2010-2015, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động của kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế trong nước; trong đó, ngành dệt may phụ thuộc khoảng 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu, dẫn đến việc chưa chủ động được các nguồn cung nguyên liệu làm tăng chi phí, rủi ro về thời gian và ảnh hưởng đến hợp đồng giao hàng..., song với tư duy nhận thức mới, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung lãnh đạo tập đoàn vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Dệt May đạt mức tăng trưởng cao với mức bình quân 10%/năm. Doanh thu năm sau đều tăng cao hơn năm trước, mức tăng trưởng bình quân đạt 13,4%/năm.
Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh, tập đoàn liên tục là đơn vị dẫn đầu ngành dệt may, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt 3.870 triệu USD, tăng gấp 2 lần năm 2010, tăng trưởng bình quân đạt 13%/năm. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm xuất khẩu.
Về lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 17-20% - đây là mức khá cao so với các tập đoàn, tổng công ty trong khối sản xuất công nghiệp. Tập đoàn luôn đảm bảo nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, mức tăng bình quân 6%/năm.
Thu nhập của người lao động có mức tăng cao hơn mức tăng các chỉ tiêu kinh tế khác. Năm 2010, thu nhập bình quân 3,28 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2015 ước đạt bình quân là 6,07 triệu đồng/người/tháng, và tăng bình quân 13%/năm.
Đặc biệt, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp được Đảng bộ Vinatex xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Tập đoàn đã cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn. Như vậy, Vinatex là Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên tiến hành công tác cổ phần hóa, và chính thức hoạt động theo loại hình công ty cổ phần từ tháng 2/2015.
Phát biểu tại đại hội, Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ và Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương Bùi Văn Cường cho rằng, với những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Vinatex đã khẳng định được vai trò hạt nhân trong lãnh đạo tập đoàn, giữ vững vai trò dẫn dắt, định hướng ngành dệt may, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia lớn về dệt may, khẳng định được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong ngành dệt may.
Giữ vững vai trò nòng cốt ngành dệt may
Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2015-2020, thị trường dệt may thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là các thị trường lớn. Ngoài hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển dịch đơn hàng, những hiệp định thương mại tự do, làn sóng dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục lan rộng, đã và đang mở ra cho Việt Nam cơ hội mở rộng thị phần. Theo dự báo của Phòng Thương mại Mỹ -AmCham, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt mức 19,9 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu cho nhiệm kỳ 5 năm tới (2015-2020) với các chỉ tiêu cụ thể: Giá trị SXCN tăng bình quân 11%/năm; Doanh thu tăng bình quân 13%/năm; Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm; Lợi nhuận tăng bình quân 6%/năm; Nộp ngân sách tăng bình quân 6%/năm; Thu nhập bình quân tăng 9,6%/năm.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đặt ra, Đảng bộ tập đoàn tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Theo đó, sẽ đổi mới phương thức hoạt động của công ty mẹ - tập đoàn từ quản lý hành chính sang trực tiếp sản xuất kinh doanh; tăng tốc đầu tư, tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi; chuẩn hóa, nhân rộng các mô hình đầu tư hiệu quả cao, chi phí thấp. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Chú trọng phát triển thị trường, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Giữ vững, mở rộng thị phần tại thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác các thị trường ngách, thị trường mới nổi…
Song song đó, Đảng bộ lãnh đạo tập đoàn chú trọng phát triển thị trường nội địa. Phát triển các sản phẩm với mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tập đoàn Dệt May Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua khi sản xuất kinh doanh và các mục tiêu khác đề ra đều tăng trưởng tốt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị Vinatex cần tích cực chủ động tham gia liên kết chuỗi để chuyển dịch sản xuất theo hướng FOB, ODM nhằm tận dụng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nâng cao giá trị gia tăng; hình thành các vùng trồng cây nguyên liệu để dần chủ động cung cấp và sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ trong ngành đón đầu Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP; khẳng định và giữ vững vai trò doanh nghiệp nòng cốt của ngành dệt may Việt Nam.
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ: Vinatex là tập đoàn nhà nước cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp trong nước và các đối tác lớn trên thế giới, không được hưởng một ưu đãi nào của Nhà nước- là điển hình của doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả. |