Tam Đảo - Vĩnh Phúc: Nơi gặp gỡ, giao thoa của đất trời Vĩnh Phúc: Chàng nông dân khởi nghiệp từ mô hình “nuôi con, gặt cây” |
Là một mảnh đất với nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình được vẽ lên với nhiều cảm xúc thăng hóa của tạo hóa,Vĩnh Phúc có một vẻ đẹp trầm mặc, quyến rũ và sâu lắng với những người dân hiền hòa, thân thiện. Đến với Vĩnh Phúc là tìm đến những khám phá mới mẻ, bình yên!
Phải đánh đổi cả một chặng đường thấm đầy nước mắt và những giọt mồ hôi mặn chát từ hàng thế kỷ trước mà người Pháp sẵn sàng chấp nhận để thấy được một Tam Đảo mộng mơ, bình yên ru dương cho những tháng ngày sống ý nghĩa. Hàng ngàn chuyến xe và cả những cuộc khảo sát kinh điển để có thể tìm thấy một vùng đặc biệt như Tam Đảo – khí hậu bốn mùa trong ngày, sương giăng bảng lảng quanh năm, hệ sinh thái trù phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm – nơi đây luôn chiều lòng người để tận hưởng trọn vẹn dung nhan kỳ vĩ của thiên nhiên, sự trong lành đến huyền bí mang lại cảm giác bình an trong tâm hồn!
Vùng đất Tây Thiên cũng không ngẫu nhiên có những bước chân đầu tiên của phái đoàn Ấn Độ - Vua Asoka tới tu hành hoằng dương Phật pháp rồi xây thành Nê Lê (chùa Địa ngục) và dựng tháp A Dục. Những ngôi chùa cổ tự để lại dấu tích ngàn năm cho thấy nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo… Và còn rất nhiều những chứng tích cổ với vẻ đẹp hoang sơ tiềm ẩn: Đảo Chim - Đại Lải, Hang Dơi - Ngọc Thanh; tháp Bình Sơn - Sông Lô, cụm đình Hương Canh- Bình Xuyên, Thác Bay - Lập Thạch, đền Đá Phú Đa, chùa Tùng Vân - Vĩnh Tường…
Rất nhiều tâm trí và tiền của, không chỉ có chính quyền và các cơ quan mà còn là rất nhiều người dân yêu Vĩnh Phúc. Bằng trái tim, nhiệt huyết và trăn trở để giữ gìn, khôi phục lại cảnh quan, di tích để biến mỗi vùng đất, mỗi điểm đến thành nơi đáng sống của chính mình và mỗi bạn bè, du khách khắp mọi nơi trên thế giới.
Dường như không để bị tụt hậu, bắt nhịp với thời đại nhưng luôn giữ gìn truyền thống, tôn trọng cảnh quan thiên nhiên và quá khứ dày công tạo nên – quan điểm xuyên suốt đó của lãnh đạo, chính quyền Vĩnh Phúc đã là sức bật cho du lịch trong những chặng đường qua. Bằng nghị quyết 01, chương trình hành động số 41 - là nấc thang cho phát triển du lịch, giúp nâng mức tăng trưởng dịch vụ bình quân hơn 10%/năm; cơ cấu kinh tế dịch vụ tăng hơn 5%... đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh.
Từ nghị quyết, các chương trình phát triển thương mại- dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế, tiềm năng của mỗi vùng, miền địa phương; trong giai đoạn 2011-2022, Vĩnh Phúc đã triển khai lập gần 200 đồ án quy hoạch, cụ thể đã có nhiều đồ án lớn, quan trọng liên quan đến du lịch - khu vực Bắc Ngọc Thanh, hồ Làng Hà, Vân Trục, hồ Bò Lạc, núi Sáng, khu du lịch Tam Đảo I, Tam Đảo II... cùng với các cơ chế chính sách đã phát huy hiệu quả, nhờ đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tâm, có tầm, tạo ra những sản phẩm du lịch hài hòa với Vĩnh Phúc; điểm tên là các dự án Flamigo Đại Lải tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5.000 tỷ đồng, dự án Tam Đảo II của Tập đoàn Sun Group có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 3 nghìn tỷ đồng; dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng; dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng có vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng...; quy mô cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ với 544 cơ sở; 4 khách sạn đạt 5 sao; 2 khách sạn 4 sao và 75 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 – 3 sao; các cơ sở lưu trú khác đều đạt tiêu chuẩn quốc gia… minh chứng cho mảnh đất có sức hút kỳ diệu và là bến đỗ an toàn, vững chãi. Chung tay vào cuộc, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, chỉ tính riêng giai đoạn 2015 – 2019, tỉnh dành 2.285 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực du lịch, trong đó, riêng đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu du lịch hơn 159 tỷ đồng, chiếm 6,9% vốn đầu tư toàn tỉnh. Trong “chiến dịch Covid-19”, tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo nhiều cơ chế “mềm” để linh hoạt đón khách; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, dành quỹ đất cho các dự án du lịch.
Phát triển du lịch của Vĩnh Phúc gắn với các loại hình du lịch phong phú nhắm trúng nhu cầu thị trường khách, đó là sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo( MICE), khám phá, du lịch thể thao( Golf)… là thế mạnh tạo sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Các điểm đến được đầu tư tour hấp dẫn đi kèm với sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền: trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, mật ong phấn hoa… đã khiến du khách đến là muốn quay trở lại – sức hấp dẫn bền bỉ của du lịch Vĩnh Phúc là vậy, tạo cảm giác hoài niệm, nhớ nhung và tươi mới! Bởi vậy mà nghệ sĩ tài hoa của nước Pháp - Yves Coueslant đã cất công hành trình từ phương trời xa xôi trở lại vùng đất Tam Đảo để tìm lại những ký ức một thời ông đã từng đưa gia đình tới nghỉ dưỡng, tránh nóng mùa hè và vùng đất mê hoặc này đã thôi thúc ông cho ra đời tác phẩm nước hoa nổi tiếng khắp thế giới. Từ nguyên liệu Đàn Hương, Tuyết Tùng và Bách kết hợp tạo sự thư giãn và hoang hoải những ký ức về miền đất Tam Đảo… đến nay thương hiệu “Tam Dao” đã trở thành một trong những dòng nước hoa hàng đầu của hãng Diptyque.
Từ một tỉnh mờ nhạt trên bản đồ du lịch quốc gia và không tên trên bản đồ du lịch thế giới, nay du lịch Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành điểm sáng qua những danh hiệu Flamigo Đại Lải Resort – Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh, giải thưởng du lịch ASEAN; Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo hay Điểm đến ấn tượng hàng đầu Thế giới. Từ những năm 2011, Vĩnh Phúc chỉ mới đón 1,7 triệu lượt khách du lịch thì đến năm 2019 đón gần 5 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch ước đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với trước.
Trong 2 năm 2020 – 2022 gặp phải dịch Covid-19 nhưng với cơ chế mở, đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, khách du lịch vẫn chọn Vĩnh Phúc là điểm đến; năm 2022, khách du lịch tới Vĩnh Phúc đạt 8,2 triệu lượt khách, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, trong đó phải kể đến lượng khách quốc tế đạt 73.500 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021.
Thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc đã được khẳng định nhưng làm thế nào để thương hiệu luôn tỏa sáng? Đó là câu hỏi mà Vĩnh Phúc đang đề ra một loạt các chương trình, mục tiêu cụ thể có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm. Quảng bá du lịch được gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế; tổ chức các tour, tuyến giới thiệu sản phẩm du lịch tới bạn bè, du khách thế giới. Tiếp tục khai thác thế mạnh và tiềm năng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn… Đưa thêm nhiều tour, tuyến du lịch mới đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tạo sự khác biệt trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư du lịch, chú trọng quảng bá hình ảnh về du lịch Vĩnh Phúc.
Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với vui chơi giải trí cùng với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo kết hợp thăm quan, học tập kinh nghiệm được xác định là ba trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh. Chủ trương của Vĩnh Phúc hiện nay là đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu chiến lược xây dựng mới các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô nhằm tạo sức lan tỏa. Vĩnh Phúc đang đi tới chặng đường đầy hứa hẹn mở ra cơ hội để đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.