CôngThương - Sinh năm 1976 tại Quảng Bình, Võ Trọng Nghĩa thi đỗ vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau đó được cấp học bổng sang học tại khoa Kiến trúc trường Đại học kỹ thuật Nagoya. Trong một lần về nước làm luận án thạc sĩ ở phố cổ Hội An, anh đặt ra cho mình một câu hỏi: Tại sao cũng cái nắng nóng của miền Trung nhưng ở trong những căn nhà cổ lại rất mát? Và anh đã phát hiện ra rằng trong kiến trúc cổ, cha ông chúng ta đã để lại một di sản quý báu, đó là việc điều khiển các luồng đi của gió để làm mát toàn bộ công trình. Thế rồi anh lẩn mẩn đo gió ở khắp nơi, từng lớp lang mái nhà cao thấp, luồn lách qua từng mảnh sân, bờ giếng, mặt nước, vườn cây… để tìm ra mô hình khí động học tối ưu. Cuối cùng luận án: “Ảnh hưởng của mái nhà truyền thống ở Hội An đến việc thông gió” của anh đã nhận được giải thưởng xuất sắc.
Về nước, cũng với niềm đam mê “chơi đùa với gió” ấy, năm nào anh cũng được giải thưởng cao trong sáng tác kiến trúc với phong cách cho gió tràn vào mọi ngõ ngách để làm mát, cho dù đó là công trình lớn, người đông, như cao ốc 17 tầng của Tòa soạn Báo Sài Gòn giải phóng, Quy hoạch trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh 37ha…
Tại Liên hoan Kiến trúc Quốc tế được tổ chức ở Tây Ban Nha cách đây ít lâu, 3 công trình kiến trúc của Việt Nam được vào vòng chung kết thì cả 3 đều là sản phẩm của Võ Trọng Nghĩa và cộng sự.
Thế mới biết, có những thứ tưởng như không phải là của riêng mình như gió, không khí, ánh sáng, nước… nhưng lại tiềm ẩn vinh quang của những sự nghiệp lớn.