Vốn điều lệ ngân hàng thay đổi ra sao sau mùa đại hội cổ đông?
Ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn
Là ngân hàng giữ kỷ lục về vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống với 79.339 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2023), tại Đại hội đồng cổ đông thương niên 2024, VPBank tiếp tục được các cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 30 triệu cổ phiếu, với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cùng với đó, ngân hàng này cũng có phương án phát hành trái phiếu quốc tế để phục vụ cho việc huy động vốn bổ sung trên thị trường quốc tế. VPBank dự kiến phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu, đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền với thời hạn dự kiến 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành từ năm 2024 đến quý 1/2025.
Tuy nhiên nếu như ở năm ngoái, các đợt tăng và bán vốn cho đối tác giúp VPBank “không có đối thủ” về vốn điều lệ thì năm nay, qua kế hoạch đã được duyệt tại các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông, dự kiến ngưỡng vốn 70.000 tỷ đồng trở lên sẽ không còn cô đơn chỉ mình VPBank.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông của Techcombank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ gồm: Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn và thặng dư vốn cổ phần. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%. Như vậy, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ hưởng quyền nhận thêm 100 cổ phiếu mới.
Trong nhóm thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 70.000 tỷ đồng, còn có 3 “ông lớn” có vốn quốc doanh là VietinBank, BIDV và Vietcombank.
Tại Đại hội đồng cổ đông, BIDV đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 70.000 tỷ đồng theo hai cách. Thứ nhất, chi trả cổ tức năm 2022 và từ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư. Thứ hai, tổng số cổ phiếu phát hành thêm là 1,36 tỷ cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm gần 13.620 tỷ đồng lên 70.624 tỷ đồng.
Được biết, BIDV sẽ dùng 11.970 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 21%). Nhà băng này cũng sẽ phát hành thêm gần 165 triệu cổ phiếu bằng hình thức chào bán riêng lẻ để tăng thêm 1.649 tỷ đồng vốn điều lệ. Kế hoạch thực hiện trong năm 2024 - 2025 và sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Tại Đại hội đồng cổ đông, BIDV cũng đề xuất giữ một phần lợi nhuận còn lại của năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 15.491 tỷ đồng, nhà băng này muốn giữ lại 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, đề xuất này của BIDV cần được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Dự kiến, vốn điều lệ của ngân hàng này có thể tăng lên hơn 86.000 tỷ đồng trong vài năm tới.
Nhiều ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn “khủng” |
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, VietinBank đã thông qua phương án giữ lại gần 14.000 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Năm ngoái, nhà băng này cũng thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thế nhưng, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai.
Hiện VietinBank có vốn điều lệ ở mức 53.700 tỷ đồng. Như vậy, nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022 - 2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng sẽ nâng vốn điều lệ lên 79.148 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2023 là 24.987 tỷ đồng, Vietcombank dự kiến dùng toàn bộ để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố kế hoạch tương tự về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho 21.680 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2022. Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn khoảng 27.700 tỷ đồng lợi nhuận còn lại của năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018.
Hiện vốn điều lệ của Vietcombank ở mức 55.891 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công các kế hoạch, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 130.258 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất Việt Nam. Đến nay, Vietcombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất (hơn 173.000 tỷ đồng), vốn hoá thị trường chứng khoán lớn nhất (510.000 tỷ đồng).
Ngoài nhóm có kế hoạch tăng vốn trên nền vốn quy mô lớn top đầu như nêu trên, nhiều nhà băng cũng đã được Đại hội đồng cổ đông duyệt thông qua kế hoạch tăng vốn đáng chú ý.
Cụ thể, MBBank trình cổ đông thông qua 2 phương án tăng vốn: Thứ nhất, MBBank dự kiến tăng thêm 7.959 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua phát hành gần 796 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 15% tổng số cổ phiếu phổ thông lưu hành tại thời điểm vốn điều lệ. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của MBBank năm 2023. Thứ hai, MBBank cũng tiếp tục thực hiện chuyển tiếp phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2023 thông qua, đồng thời tăng vốn điều lệ qua chào bán 62 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương mức vốn 620 tỷ đồng.
Với 2 phương án, từ vốn điều lệ gần 52.141 tỷ đồng, MBBank có thể đạt lên gần 61.643 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm sẽ được MBBank dùng để đầu tư tài sản năng lực và hoạt động kinh doanh.
ACB cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng chia cổ tức, từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2023 và còn lại từ các năm trước chưa chia, với 19.886 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng quản trị ACB dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt, tương ứng với mức sử dụng lợi nhuận giữ lại là 9.710 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức này cũng được ngân hàng dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức vốn sử dụng tương ứng là 11.166 tỷ đồng.
Với mức chia cổ tức này, ACB sẽ tăng vốn điều lệ lên 44.666 tỷ đồng, tăng thêm 5.800 tỷ đồng, tương ứng với hơn 582 triệu cổ phần phát hành thêm. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ là quý III.
Với SHB, kế hoạch nâng vốn điều lệ của ngân hàng năm nay sẽ là tăng 12% từ 36.629 tỷ đồng lên 40.658 tỷ đồng, nằm trong Top 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn nhất hệ thống qua hoàn tất việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động và trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18% ở năm 2023…
Tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao trong những năm gần đây |
Đảm bảo an toàn vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2020 tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng thêm hơn 48.300 tỷ đồng. Đến năm 2021 tăng tiếp 90.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong hai năm 2022 và 2023, tăng lần lượt hơn 125.700 tỷ đồng và 125.900 tỷ đồng (gấp hơn 2,5 lần so với năm 2020).
Đến cuối 2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm cao nhất với hơn 542.500 tỷ đồng (tương ứng 54%). Tiếp theo, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước với gần 217.900 tỷ đồng (gần 22%) và nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài với 163.100 tỷ đồng (hơn 16%). Phần còn lại là các công ty tài chính, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng và ngân hàng hợp tác xã.
Các chuyên gia cho rằng, kế hoạch tăng vốn năm 2024 của các ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp khó khăn, thị trường chứng khoán “bấp bênh”. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu đang gia tăng ảnh hưởng đến các hệ số an toàn vốn (CAR), tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chưa đáp ứng quy định tại một số ngân hàng nên việc tăng vốn điều lệ là mục tiêu quan trọng.
Ngoài ra, giới phân tích cũng nhận định, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp các nhà băng cải thiện hệ số CAR, đáp ứng các chuẩn mực theo Basel II và kế tiếp là Basel III. Đây là chuẩn mực quốc tế giúp các nhà băng nâng cao quản trị rủi ro và cạnh tranh hơn so với các đối thủ cùng ngành. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn bền vững, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô kinh doanh, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhìn nhận, trên thực tế, hình thức tăng vốn theo kế hoạch của phần lớn ngân hàng là từ nguồn lợi nhuận giữ lại, do đó mức độ cải thiện bộ đệm dự phòng và năng lực tài chính là không đáng kể. Trong khi đó, cả vốn điều lệ và lợi nhuận giữ lại đều là cấu phần tạo nên vốn chủ sở hữu và vốn tự có cấp 1, vì vậy, về mặt tổng thể vốn chủ sở hữu, vốn tự có của các ngân hàng sẽ không biến động, do đó các tỷ lệ an toàn cũng sẽ ít có sự ảnh hưởng.
Điểm ảnh hưởng tích cực là khi thực hiện chia cổ tức như vậy sẽ giúp thị giá cổ phiếu giảm theo một tỷ lệ tương ứng. Thị giá thấp hơn có thể thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính hạn chế có cơ hội mua vào cổ phiếu ngân hàng. Khi đó, với cơ cấu cổ đông đa dạng hơn và nhiều hơn, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thuận tiện hơn khi phát hành thêm cổ phiếu mới trong tương lai, cũng như xác định giá bán phù hợp cho các cổ đông chiến lược.
Nếu như việc tăng vốn điều lệ chỉ đơn thuần từ nguồn lợi nhuận giữ lại chuyển sang không mang lại nhiều tác động, việc phát hành thêm cổ phiếu mới sẽ có tác động rõ ràng hơn đến các hệ số an toàn vốn và quy mô tăng trưởng của các ngân hàng.
Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp ít nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, việc sở hữu chéo bị kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng cần tăng cường tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, cổ đông chiến lược nước ngoài.
Nhìn lại VPBank, sau khi hoàn tất bán 15% vốn cổ phần ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài là Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) trong năm ngoái, vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng lên rất mạnh và vươn lên dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ. Được biết các ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, SHB, LPBank… đều đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.