Dệt may đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm. |
Với vốn đầu tư 660 triệu USD, được cấp phép vào tháng 6/2015, dự án nhà máy sản xuất và chế biến sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, sắp xây dựng ở Đồng Nai được xem là lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Như vậy, đến nay, chủ đầu tư này đã có 2 dự án ở Đồng Nai, nâng tổng vốn đầu tư lên tới 995 triệu USD, xây dựng trên diện tích 90 ha.
Kế đến là dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan, Trung Quốc) tại Bình Dương có vốn đăng ký 274 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may như xơ sợi tổng hợp, sản phẩm dệt kim, nhuộm, kéo sợi… Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam của công ty này sau 2 cở sở tại Trung Quốc và Đài Loan.
Lý do khiến đơn vị này quyết định đầu tư vào Việt Nam là nhằm đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bên cạnh nguồn nhân công giá rẻ. Sau khi dự án hoàn thành, công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy giai đoạn 2 với quy mô từ 700 triệu đến một tỷ USD.
Cũng có vốn đầu tư khá lớn là dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hong Kong, Trung Quốc) với 300 triệu USD tại khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi (TP HCM) trên diện tích đất hơn 50ha chuyên sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.
Còn tại Bình Dương, dự án dệt may có vốn đầu tư lên đến 320 triệu USD của Công ty viễn đông Tân Thế Kỷ (Đài Loan) cũng đang lên kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh các doanh nghiệp liên quan đến Trung Quốc, thời gian gần đây, các công ty Nhật Bản cũng đang thăm dò và có ý định đầu tư vào dệt may.
Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho hay doanh nghiệp của họ đang lựa chọn đầu tư nhà máy dệt may ở các khu công nghiệp tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh do có diện tích đất dành cho doanh nghiệp khá lớn, cùng với đó, chi phí nhân công lao động cũng như giá thuê đất thấp.
Nhìn nhận về xu hướng trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc vốn ngoại ồ ạt vào dệt may Việt Nam là cách mà các nhà đầu tư ngoại chớp cơ hội đón đầu TPP và các hiệp định thương mại tự do khác. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế. Đặc biệt, các tỉnh thành được lựa chọn là những địa điểm đang có nhiều ưu đãi về miễn thuế đất và giải phóng mặt bằng trong thời hạn 5-10 năm. Thêm vào đó, tại thị trường châu Á, giá nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp và bằng với Indonesia. Tuy nhiên, quốc gia này không gia nhập vào TPP nên đây là cơ hội để dòng vốn ngoại dồn về Việt Nam.
“Từ đây các doanh nghiệp Việt có cơ hội liên kết làm ăn nhiều hơn với nước ngoài, tạo động lực cho công ty nội thay đổi. Vì thế, thời gian tới Việt Nam hứa hẹn là công xưởng sản xuất của cả khu vực”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, để kết nối vào chuỗi cung ứng với khối ngoại là điều không dễ dàng vì quy mô và khả năng sản xuất của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đúng những yêu cầu và quy chuẩn mà nhiều đối tác nước ngoài đặt ra. Nguy cơ dịch chuyển nguồn nhân lực trong ngành dệt may từ công ty nội sang ngoại là điều khó tránh khỏi.
Đồng quan điểm với ông Lực, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, sự mở rộng đầu tư vào dệt may của nước ngoài ở Việt Nam là tất yếu. Điều này thúc đẩy việc loại bỏ và sàng lọc nhanh hơn những doanh nghiệp yếu kém nhằm tạo ra nền sản xuất vững vàng. Cho nên, từ đây trở đi, các doanh nghiệp Việt cần chú ý hơn nữa đến vấn để sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và chuẩn mực trong lao động thì mới có thể cạnh tranh được với nhà đầu tư ngoại.
“Mặt khác, để bảo vệ các công ty trong nước, Nhà nước chỉ nên chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành chứ không nên để các đơn vị đó lấn sân sang hoạt động may mặc vì công việc này các doanh nghiệp Việt đang làm tốt. Cùng với đó, yếu tố bảo vệ môi trường cần phải được kiểm soát đặc biệt”, ông Hồng khuyến nghị.