Ám ảnh đến sợ cả đồ ăn
Ngày 8/6, Vuasanca đăng tải bài viết “Bé gái 14 tuổi bị bạn học ép hút thuốc lá, làm nhục dã man”. Nội dung bài viết phản ánh về việc cháu bé gái 14 tuổi ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị nhóm bạn ép hút thuốc lá, làm nhục dã man.
Ngay sau khi báo đăng, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ thông tin vụ việc và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 12/6/2024.
Liên quan tới sự việc này, chị N.T.M (37 tuổi, ở Hà Nội) - người thân cháu H. đồng hành từ hôm bé bị làm nhục cho biết, tối hôm ấy, chị nhận được cuộc gọi cháu H bị các bạn làm nhục.
Chị cho biết, hôm đến xin lỗi cháu H, thay vì hỏi thăm động viên, an ủi; những ông bố bà mẹ có con hành hạ, ép bạn hút thuốc lá lại truy vấn, trách móc và không hề quan tâm tới cảm xúc của cháu H khiến diễn biến tâm lý của cháu bị tiêu cực.
Bé gái bị bạn làm nhục, ép hút thuốc lá đã được chuyển sang chăm sóc đặc biệt (Ảnh: Đoàn Tuấn). |
Từ cuộc đến xin lỗi đã biến thành “cuộc tổng tấn công” tổng lực vào cháu H. khiến cô bé thêm lo sợ, khủng hoảng nghĩ rằng xung quanh không còn ai bảo vệ mình.
Chị M cho rằng, phụ huynh dẫn con đến xin lỗi như thể “xin lỗi cho xong” vì có thể họ chưa thấy hết được sự dã man của nhóm trẻ đối với cháu H, đặc biệt là việc ép cháu dùng thuốc lá (có thể có chứa chất cấm) là điều không thể chấp nhận, cần phải làm rõ mọi vấn đề chứ không thể nói với nhau vài câu qua loa cho xong chuyện.
“Họ không ý thức được hoặc rất vô cảm về việc con họ gây ra nghiêm trọng như thế nào. Trẻ nhỏ mắc lỗi đã sai, nhưng thái độ của người lớn khi xin lỗi không một lời hỏi thăm cháu có bị làm sao không, không một lời an ủi mà chỉ hỏi và có ý trách móc là một vấn đề không bình thường”, chị M phẫn nộ với cách người lớn ứng xử trong vụ việc.
Theo chị M. sự vô cảm của người lớn mà cụ thể là những phụ huynh của các bé làm nhục cháu H “có thể giết chết tâm hồn trong trẻo của con trẻ”.
Chị M bức xúc: “Đây là phản ứng chung như thói quen coi nhẹ việc con mắc lỗi rồi chỉ biết trách trẻ con chứ không hỏi nguyên nhân như thế nào càng khiến trẻ con sợ. Đứa gây ra sự việc thì giấu, còn cháu bị làm nhục bị ức chế đặt ra câu hỏi tại sao việc như thế mà người lớn không hiểu, chỉ biết trách móc càng làm cháu uất ức”.
Anh M.N.H – bố cháu H cho biết, mỗi ngày trôi qua, diễn biến tâm lý của con gái thêm phần khó lường; thậm chí, khi người nhà mua đồ cho cháu, bé gái rất sợ hãi và lo lắng sợ rằng trong đồ ăn có độc. Phải đến khi người thân thử đồ ăn, trấn an thì nạn nhân mới dám ăn.
“Tâm lý cháu bất ổn luôn nghĩ có người khác làm hại mình. Mỗi khi có người đến hỏi thăm, cháu đều sợ và nghĩ họ đến theo dõi. Cô, bà và mẹ cháu lại phải trấn an bảo rằng cả nước đang bảo vệ con, không phải sợ thì cháu mới nguôi ngoai lo lắng”, anh H nói và rất khổ tâm vì tình trạng của con gái sau cú sốc lớn trong đời.
Cần chung tay bảo vệ trẻ em
Trao đổi với Vuasanca , PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cho rằng, đầu tiên cha mẹ cần hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi này. Việc con trẻ gây ra rắc rối có thể các em chưa có nhiều tấm gương tích cực trong gia đình.
Điều này sẽ khiến các em không biết kiểm soát sự giận dữ, không biết hóa giải các mâu thuẫn giữa bạn bè đồng trang lứa và thiếu hiểu biết pháp luật, a dua cùng bạn bè thực hiện những hành vi hạ nhục người khác và nghĩ nó là bình thường.
Lúc này phụ huynh nên cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái một cách tích cực, hành xử trở thành một tấm gương cho con cái noi theo. Phụ huynh phải tạo lập ra và truyền đạt các tiêu chí về hành vi mong muốn của cha mẹ một cách rõ ràng cho con cái qua hành động, lời nói để con không tái diễn hành vi tương tự.
Theo chuyên gia tâm lý và luật sư, chúng ta cần chung tay bảo vệ bé gái và đẩy lùi vấn đề bạo lực ở lứa tuổi học đường để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trong ảnh, người thân luôn phải động viên, an ủi sau khi cháu gặp biến cố lớn (Ảnh: Đoàn Tuấn). |
Theo Tiến sĩ Nam, để giảm thiểu tình trạng bạo lực, làm nhục bạn như trường hợp này, cần sự kết hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội.
“Cha mẹ phải là tấm gương tích cực và người hướng dẫn tinh thần, phát triển sự tự tin cho con cái, hướng dẫn con kỹ năng kiểm soát cảm xúc và tìm hiểu thêm về pháp luật cũng như những hành vi bị cấm như bạo lực trong các buổi hò hẹn, bạo lực trong gia đình, trường học hay tấn công tình dục. Cha mẹ cũng cần được hỗ trợ để học các kỹ năng làm cha mẹ tích cực”, Tiến sĩ Nam phân tích.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tiếp tục cải thiện văn hóa học đường, xây dựng nội quy ứng xử an toàn, thân thiện và tôn trọng, áp dụng kỹ năng quản lý lớp học tích cực, triển khai các mô hình phòng chống bạo lực học đường như mô hình “hòa giải ngang hàng”.
Ngoài ra, cộng đồng cần phát huy trách nhiệm trong việc giám sát học sinh sau giờ tan học, thiết lập những tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng, thiết lập các chương trình an ninh khu phố (liên gia canh gác) để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp.
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Emmelaw nhận định, tình trạng vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên có chiều hướng tinh vi, phức tạp.
Điều này phải đánh giá từ nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất là gia đình và nhà trường, nơi mà các cháu được gắn bó học tập và nuôi dưỡng.
“Cháu H cần phải được bảo vệ kịp thời, toàn diện, không chỉ là cha mẹ, người thân mà của cả cộng đồng, cần có sự chia sẻ đồng cảm, bao bọc yêu thương.
Hành vi của các cháu rất tàn nhẫn, có xu hướng rất tiêu cực, vì thế biện pháp giáo dục và kèm theo các chế tài xử phạt đối với các trường hợp này là cần thiết, không đơn giản chỉ là răn đe giáo dục mà để gia đình, các bậc phụ huynh nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với con cái”, Luật sư Tuấn nói thêm.
Theo Luật sư Tạ Anh Tuấn, cơ quan điều tra cần làm rõ nếu có việc nạn nhân bị ép sử dụng thuốc lá có chất ma túy thì cần làm rõ nguồn cung cấp ma túy, con đường mà chất cấm này đến được với lứa tuổi học đường như thế nào?
Riêng đối với hành vi đăng tải lan truyền các clip trên mạng xã hội có hình ảnh nhạy cảm của cháu H thì hành vi đó có thể bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.