Liên quan đến vụ bé trai 17 tháng tuổi P.T.Đ tử vong sau khi được gửi tại một cơ sở trông trẻ trên địa bàn xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, TP Hà Nội), Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho biết, Sở vừa ký ban hành văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị tăng cường triển khai công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập.
Theo đó, để đảm bảo an toàn trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ em mầm non và tăng cường kỷ cương nền nếp trong quản lý, hạn chế tối đa tình trạng tai nạn thương tích cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội đề nghị UBND quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt quản lý đối với hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 5 nội dung.
Thứ nhất, về công tác quản lý nhà nước trên địa bàn: Các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND xã/phường, các ban, ngành, đoàn thể tiến hành kiểm tra, giám sát cơ sở giáo dục mầm non thực hiện các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hướng dẫn nhiệm vụ năm học, quy chế chuyên môn cấp học mầm non Hà Nội.
Nâng cao trách nhiệm, vai trò của UBND xã, phường trong việc quản lý cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục (được gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non độc lập), kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm quy định, thông báo công khai để nhân dân và cha mẹ trẻ được biết.
Lực lượng chức năng có mặt tại cơ sở mầm non, nơi trông giữ trước khi bé trai 17 tháng tuổi tử vong |
Thứ hai, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ em. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở giáo dục mầm non độc lập đã được cấp phép trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp cho con em; Phát huy vai trò của Nhân dân, tổ chức đoàn thể trên địa bàn trong việc phát hiện kịp thời các cơ sở giáo dục mầm non hoạt động trái quy định để xử lý nghiêm theo quy định.
Thứ ba, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non độc lập cho cán bộ UBND xã, phường, thị trấn. Bồi dưỡng 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên, chủ cơ sở về các văn bản quy định trong lĩnh vực giáo dục mầm non, nâng cao ý thức tuân thủ quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, tình thương, trách nhiệm đối với trẻ.
Thứ tư, các đơn vị tiếp tục phát huy kinh nghiệm quản lý chỉ đạo về chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện tốt; xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động có chất lượng; tạo điều kiện hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư thành lập trường mầm non ngoài công lập.
Thứ năm, chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ kế hoạch phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2020- 2025 đã được phê duyệt; Tiếp tục ưu tiên đất xây dựng trường mầm non, đặc biệt quan tâm đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị phát triển, tăng tỷ lệ huy động trẻ em tuổi nhà trẻ đi học.
Như Vuasanca đưa tin trước đó, ngày 1/3, Công an huyện Thường Tín nhận được tin báo về việc cháu P.T.Đ. (17 tháng tuổi, ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) được gửi tại cơ sở trông giữ trẻ được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Công an huyện Thường Tín đã xác minh, xác định cháu Đ. được gửi tại cơ sở trông trẻ của Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành ở thôn Vạn Điểm, đồng thời triệu tập 2 đối tượng lên trụ sở công an để lấy lời khai.
Theo lời khai của các đối tượng, sáng 23/2, Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, 2 đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài.
Thấy vậy, Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống, làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, đối tượng dùng tay tát nạn nhân. Trong khi đó, An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé.
Đến khoảng 16h30 cùng ngày, bố mẹ bé trai đến đón con và được 2 đối tượng báo là Đ. tự ngã. Trong các ngày 24, 25, 26/2, bé trai tiếp tục được đưa đến cơ sở của An và Lành.
Sáng 26/2, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Dù được chữa trị tích cực nhưng đến chiều 1/3, Bệnh viện Nhi Trung ương trả cháu bé về gia đình vì tiên lượng xấu. Đến tối ngày hôm sau, nạn nhân tử vong.
Ngày 4/3, tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng An và Lành đều bật khóc khi làm việc với công an. Cả hai nhận thức được hành vi sai trái và xin gia đình nạn nhân tha thứ.
Ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu An và Lành để làm rõ tội giết người.