Xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là nhiệm vụ trọng tâm
Tin hoạt động 07/03/2019 16:33
Nhiều thách thức
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, nền kinh tế số hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội của chúng ta. Khó có thể phủ nhận rằng nền kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế số góp phần tạo ra tăng trưởng cao, đổi mới nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi vào các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa, nền kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn, hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo |
Nhìn nhận vấn đề trên, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho rằng, thương mại điện tử - một cấu phần quan trọng trong kinh tế số đã khá phát triển tại các thành phố lớn của Việt Nam, nhưng tại các địa phương vùng sâu, vùng xa còn kém phát triển.
Một trong những trở ngại chính trong phát triển TMĐT tại các địa phương, theo ông Đặng Hoàng Hải chính là do logistics kém phát triển. Trong khi TMĐT là công cụ giúp đưa hàng hóa, nông sản của nhiều địa phương đi xa hơn, đến các thị trường trong nước và thế giới, nhưng khi logistics cho TMĐT chưa phát triển nên quá trình này đến nay còn rất nhiều hạn chế.
Đưa ra những khó khăn về kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội... Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các địa phương khác nhau... cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế số.
Tập trung điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số
Trước thách thức trên, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu rõ: Đứng từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đưa ra các giải pháp về chính sách phát triển kinh tế sô, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, song song với kế hoạch phát triển tổng thể, cần hoàn thiện chính sách cho kinh tế số cũng như quy mô của thị trường bằng cách thúc đẩy TMĐT tại các địa phương. “Nhà nước cần tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng TMĐT. Đây cũng chính là hoạt động mà Cục TMĐT sẽ cải tiến trong mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn sau năm 2020” - ông Đặng Hoàng Hải chỉ ra.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc WB cho rẳng, chính sách của mỗi quốc gia chính là nhân tố quan trọng nhất, tạo thuận lợi nhất cho kinh tế số phát triển. Thông qua việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho kinh tế số, triển vọng cho phát triển kinh tế số toàn cầu hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung thúc đẩy nhận thức và sự hiểu biết về nền kinh tế số; thực trạng, vai trò và tác động, thách thức và cơ hội, cũng như xem xét cách chuyển hóa tiềm năng thành thực tiễn. Đồng thời, xem xét cách thức các thể chế, chính sách và quy định có thể được tiếp cận và chuyển đổi để theo kịp sự chuyển đổi của kỹ thuật số phục vụ cho sự kết nối và tăng trưởng bền vững.
“Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tận dụng lợi thế của nền kinh tế số ở nhiều khía cạnh khác nhau, cụ thể như: TMĐT, công nghệ, tài chính, đổi mới…”- Thứ trưởng lưu ý.