Xây dựng hành lang pháp lý toàn diện cho dịch vụ trung gian thanh toán
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN (Thông tư số 39) hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã từng bước góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước, cũng như hướng dẫn các đơn vị liên quan trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Thông tư số 39 đã từng bước đáp ứng nhu cầu của thực tiễn: Đối với khách hàng, nhờ có các dịch vụ trung gian thanh toán, người tiêu dùng có thêm một kênh thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, tiết kiệm thời gian, có cơ hội nhận được các ưu đãi, khuyến mãi khi thực hiện thanh toán do có sự cạnh tranh dịch vụ giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán. Thông qua đó, người tiêu dùng cũng dần nâng cao, cải thiện được nhận thức về các dịch vụ trung gian thanh toán nói riêng và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung.
Nhờ có các dịch vụ trung gian thanh toán, người tiêu dùng có thêm một kênh thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi, tiết kiệm thời gian |
Đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông qua hợp tác với các tổ chức trung gian thanh toán có thêm kênh giao tiếp, cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích cho khách hàng; qua đó mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng và tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, cùng với yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử gần đây, đòi hỏi hành lang pháp lý cho hoạt động trung gian thanh toán cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn, cũng như làm cơ sở để công tác quản lý, giám sát hoạt động trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn.
Việc xây dựng dự thảo Thông tư cần đảm bảo tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện hơn đối với việc thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán; đảm bảo hướng dẫn và phù hợp với các văn bản pháp lý khác có liên quan đã được ban hành trong thời gian qua như: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan; dự thảo Luật căn cước công dân; các quy định về quản lý ngoại hối, các văn bản pháp lý khác có liên quan.
Đồng thời, giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn liên quan đến việc thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán, qua đó vừa tạo điều kiện phát triển các dịch vụ trung gian thanh toán mà vẫn đảm bảo vai trò quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản các nội dung chính sách của Thông tư mới được kế thừa từ Thông tư số 39 trước đây. Đồng thời, dự thảo Thông tư mới bổ sung, cập nhật những nội dung mới được đề cập tại dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin vào hoạt động thanh toán và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Thông tư bao gồm 6 Chương, 49 Điều.