Làm việc khó, việc lớn để tạo động lực dẫn dắt
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trải rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và điểm nhấn dễ nhận thấy nhất chính là tham gia phát triển kết cấu hạ tầng.
Các công trình đường cao tốc, cảng hàng không, khu công nghiệp, cầu cảng, bến bãi…; các dự án năng lượng, sản xuất… đều thấy sự hiện diện của khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều công trình, dự án đã không chỉ làm thay đổi diện mạo của một vùng đất, một địa phương mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, của vùng đó.
“Việc khó, việc lớn và việc mới đều cần sự tiên phong của doanh nghiệp tư nhân lớn; giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước diễn ra sáng 21/9.
Thực tế từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, đặc biệt là trong hơn một thập kỷ trở lại đây, dấu ấn tiên phong làm việc khó, việc lớn của doanh nghiệp tư nhân lớn là rất rõ nét. Có thể kể đến như Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được Sun Group đầu tư xây dựng; hạ tầng tại thủ đô Hà Nội, hệ thống đường cao tốc, hầm đường bộ của Việt Nam, khu kinh tế mở Chu Lai… gọi tên các doanh nghiệp như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành…. Hay như Tập đoàn T&T đã không chỉ định vị mình ở lĩnh vực tài chính, bất động sản mà đã chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển các dự án hạ tầng như năng lượng tái tạo và môi trường, công thương, xuất nhập khẩu, logistics công nghệ cao, cảng biển - cảng hàng không - hạ tầng giao thông, bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp…
Tại Hội nghị ngày 21/9, Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T, ông Đỗ Quang Hiển thông tin về việc tập trung nguồn lực tham gia đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng của T&T |
Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T, ông Đỗ Quang Hiển, tại Hội nghị nêu trên cũng đã chia sẻ: T&T đã xác định hạ tầng là 1 trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Trong nhiều năm qua, T&T Group cũng đã tập trung nguồn lực để tham gia đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng.
Cụ thể, đầu tháng 9/2024, T&T đã khởi công Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - Giai đoạn 1 với quy mô 41,7 ha và tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, và là cụm công nghiệp lớn nhất trên địa bàn thành phố tính đến thời điểm hiện tại.
Trước đó, Tập đoàn cũng đã tham gia đầu tư dự án siêu cảng logistics tại Vĩnh Phúc khi bắt tay với Tập đoàn YCH (Singapore) thành lập liên doanh SuperPortTM Việt Nam.
Một loạt dự án hạ tầng điểm nhấn khác được T&T Group triển khai phải kể đến việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị; cổ đông lớn trong dự án xây dựng Cảng Quảng Ninh (cảng biển nước sâu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều cao tốc và hạ tầng giao thông khác cũng có dấu ấn của T&T như: cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương; dự án Vành đai 4 Hà Nội.
Ông Đỗ Quang Hiển thông tin thêm, ngoài các dự án năng lượng tái tạo với công suất hơn 1.000 MW đã đi vào hoạt động, T&T đã hợp tác với Tập đoàn SK của Hàn Quốc để sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon… “Hiện nay các dự án kinh doanh của tập đoàn đã đầu tư và đưa vào khai thác với tổng vốn lên tới hàng chục tỷ USD”-ông Đỗ Quang Hiển cho biết.
Đánh giá về vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển hạ tầng, Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành bày tỏ: Ngày càng thấy rằng, vai trò của tư nhân rất là quan trọng trong phát triển hạ tầng. Bởi vì với các nước đang phát triển như Việt Nam thì nguồn lực Nhà nước cũng hạn chế. Cho nên, khi tư nhân phát triển lớn mạnh thì sự tham gia của khu vực này vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm của nền kinh tế cũng sẽ ngày càng lớn hơn; góp phần dẫn dắt phát triển các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế.
Xây dựng “hạ tầng” mạnh về cơ chế, thoáng về chính sách cho doanh nghiệp
“Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đồng thời, nhấn mạnh thêm về vai trò của kinh tế tư nhân nói chung và của các doanh nghiệp lớn, các con “sếu đầu đàn” của khu vực kinh tế này nói riêng, Thủ tướng cho biết: Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã thảo luận về những định hướng đột phá trong phát triển đất nước giai đoạn tới, như đột phá thể chế, làm mới các động lực tăng trưởng cũ và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt là xây dựng những công trình hạ tầng chiến lược, biểu tượng phát triển đất nước như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam…
Có thể thấy, vai trò, trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia luôn được xác định ở vị trí trọng yếu, và Chín phủ, các bộ, ngành địa phương cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách để tạo động lực cũng như thu hút khu vực kinh tế tư nhân tham gia phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn về thủ tục, thậm chí ảnh hưởng tới tiến độ dự án, nguồn vốn đầu tư… Vì thế, điều cần thiết để khơi thông nguồn lực này tham gia vào các dự án lớn của đất nước là phải tạo một môi trường với hành lang pháp lý đủ rộng, cơ chế chính sách nhất quán để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Ảnh: //mt.gov.vn/vn |
Hiến kế với Chính phủ về khơi nguồn động lực từ khu vực kinh tế tư nhân, bà Nguyễn Phương Thảo, Chủ tịch Sovico bày tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện xây dựng các quy định, pháp luật, cơ chế, môi trường cho các doanh nghiệp dân tộc để hình thành các Tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế làm đầu tàu và thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Đại diện nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp cũng đề xuất thể chế hóa, với cơ chế đặc thù cho việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có cơ chế về giao đất, thuế đất; cơ chế ưu tiên các dự án có hiệu quả tổng hợp; tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư theo hướng nhanh hơn, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án theo hình thức BT.
Phối cảnh dự án cảng hàng không Quảng Trị đang được T&T triển khai. Ảnh minh họa |
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban chiến lược Tập đoàn T&T cho biết, với tầm nhìn chiến lược và lâu dài, T&T vẫn tham gia đầu tư và tập trung nguồn lực lớn cho hạ tầng với rất nhiều các dự án trọng điểm. Tập đoàn đang có kế hoạch phối hợp với các tập đoàn của Đan Mạch, Nhật Bản để hiện thực hóa ý tưởng đầu tư 1 tổ hợp công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam, đồng thời xuất khẩu ra châu Á và thế giới. Với dự án đầu tư sân bay tại Quảng Trị (dự kiến tháng 5/2026 sẽ khánh thành), ông Đỗ Quang Hiển đề nghị các cơ quan liên quan ủng hộ quy hoạch khu vực này thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay. Đồng thời đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, chỉ định doanh nghiệp triển khai những dự án đòi hỏi công nghệ cao, quản trị hiện đại, tài chính mạnh, trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia, tuân thủ quy định của pháp luật.
Chỉ ra định hướng thu hút và gia tăng nguồn vốn khu vực tư nhân cho phát triển hạ tầng, Chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện phát triển hạ tầng là câu chuyện cần dòng vốn lớn, nó không chỉ là câu chuyện của dự án, nó là câu chuyện của vĩ mô. Ví dụ như là sự ổn định kinh tế vĩ mô, đến nợ nước ngoài hay vấn đề thâm hụt ngân sách,…
Do đó, theo TS. Võ Trí Thành, để cho sự tham gia của tư nhân vào phát triển hạ tầng ngày càng hiệu quả thì cần lưu ý:
Một là, chia sẻ lợi ích và đánh giá hiệu quả. Chúng ta phải học những bài học thành công, tìm ra được cách chia sẻ lợi ích cũng như là nhìn nhận rủi ro cho thích hợp giữa hai bên: nhà nước và doanh nghiệp. Trên thế giới hiện không một công thức cụ thể nào cho sự hợp tác này, thế nhưng nó có những nguyên tắc, nguyên lý trong cách nhìn nhận để đảm bảo cao nhất sự hợp tác, cùng đầu tư nhà nước, tư nhân về phát triển hạ tầng.
Hai là, trong phát triển hạ tầng có những lĩnh vực chất thị trường, chất cạnh tranh lớn hơn thì doanh nghiệp tư nhân họ cũng muốn tham gia hơn. Cho nên, chúng ta cần lưu ý những vấn đề này để kêu gọi thu hút đầu tư tư nhân trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sự tham gia nhà nước - tư nhân.
Ba là, hạ tầng chúng ta làm, không phải chỉ đánh giá câu chuyện chi phí, lợi ích của dự án mà vấn đề lớn hơn là nhìn nhận chi phí, lợi ích tổng thể, tức là sự lan tỏa, chưa nói đến vấn đề môi trường, an toàn xã hội,…