Nguy cơ thiếu hụt nhân lực
Cách mạng 4.0 đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu, người lao động cần có đủ kiến thức, kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng cứng về kỹ thuật số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy; kỹ năng mềm như khả năng tư duy, kỹ năng cá nhân, kỹ năng về xã hội…) mới đáp ứng được yêu cầu.
Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhận xét: Cách mạng 4.0 đang tạo ra sự gián đoạn kép đối với thị trường lao động và cơ cấu lao động, do đòi hỏi các yêu cầu cao về các kỹ năng mới. Dự báo khoảng 5 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 50% máy móc thay thế con người vận hành sản xuất, kinh doanh và các qui trình quản trị, khiến khoảng 1 tỷ người lao động trên toàn cầu sẽ bị thiếu các kỹ năng đáp ứng do chưa thể bắt kịp xu thế của công nghệ.
Tại Việt Nam, Tiến sỹ Lương Minh Huân - Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI, cho biết, kết quả khảo sát hơn 400 DN thuộc nhiều qui mô, lĩnh vực hoạt động khác nhau, do VCCI thực hiện năm 2021 mới công bố, cho thấy, khoảng cách từ nhận thức về cách mạng 4.0 đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong các DN còn rất lớn. Số liệu khảo sát cho thấy, khoảng 80% các DN phản hồi cho biết đã biết đến cách mạng 4.0, trong số đó có khoảng 50% mong muốn ứng dụng, nhưng trong thực tế hoạt động thì mới chỉ có 20% đã sử dụng các thiết bị công nghệ 4.0, chỉ có khoảng 12% DN đã có kế hoạch và đang thực hiện việc chuẩn bị lao động có các kỹ năng của cách mạng 4.0.
Ảnh minh họa |
Đa số các DN Việt Nam đều có qui mô vừa và nhỏ, nguồn lực, năng lực công nghệ, cũng như trình độ quản trị còn hạn chế, hiện chủ yếu vẫn sử dụng nguồn lao động thâm dụng giá rẻ. Trong khi đó, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi rất lớn về nguồn nhân lực có các kỹ năng mới. Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan, nếu không có sự chuẩn bị kịp thời bằng các chính sách, chương trình, đề án, hành động cụ thể để đào tạo, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn về thiếu hụt nguồn lao động có các kỹ năng mới đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế số.
Xu thế và nhu cầu làm việc từ xa, làm việc di động dựa trên các nền tảng công nghệ số đã tăng lên trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DN do thiếu hụt lao động có những kỹ năng số hóa, đã phải thuê nguồn nhân lực ngoài công ty để vận hành các nền tảng số hóa một số qui trình sản xuất, quản trị DN. Đây là vấn đề các DN Việt Nam rất cần phải xem xét lại để chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ kỹ năng trong xu thế phát triển nền kinh tế số.
Thúc đẩy công tác đào tạo
Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần xây dựng khung năng lực về lao động trong thời đại 4.0 để xác định các ngành cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ kết hợp đào tạo, xã hội hóa hoạt động đào tạo nhân lực cho cách mạng 4.0 để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số trong tương lai.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết, Chính phủ đã có các chương trình thúc đẩy thay đổi nhân thức, nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0, dành nguồn lực tác đào tạo và thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên, qui mô lực lượng lao động sẽ bị tác động bởi cách mạng 4.0 dự báo sẽ rất lớn, cần phải có chiến lược, các chương trình đạo tạo phù hợp hơn. Nhà nước cần đóng vai trò “nhạc trưởng” để dẫn dắt thông qua tạo thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, qui định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho cách mạng 4.0 cũng như tổ chức đào tạo. Đồng thời, khuyến khích các DN tuyển người vào làm việc và đào tạo, liên kết đào tạo với các đối tác bên cạnh phối hợp với hệ thống tổ chức đào tạo của nhà nước.
Từ kinh nghiệm quốc tế, đại diện GEZ (Cộng hòa Liên bang Đức), cho rằng, chuyển đổi số bao trùm, công bằng tại Việt Nam, cần chú trọng nâng cao kỹ năng (bao gồm cả kỹ năng cứng, kỹ năng mềm) về công nghệ số cho người lao động nhằm tận dụng tối đa tính ưu việt của các công nghệ tiên tiến. Chính phủ cần chuyển đổi hệ thống giáo dục và đào tạo hướng mạnh theo xu thế cách mạng 4.0 cả về phương pháp đào tạo, năng lực đào tạo, lĩnh vực cần đào tạo, để giải quyết điểm nghẽn về kỹ năng đổi mới, sáng tạo của lực lượng lao động trong nền kinh tế số. Đào tạo kỹ năng số cần hướng tới cả các nhóm người lao động dễ bị tổn thương với chất lượng tốt hơn, giúp họ đáp ứng được các công viêc cụ thể, nhất là các công việc trong tương lai.
Đại diện Tập đoàn Samsung Việt Nam, cho biết, một trong những yếu tố quan trọng Samsung đã lựa chọn đầu tư ở Việt Nam là dựa trên cơ sở đánh giá cao năng lực, khả năng sáng tạo của người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng 4.0, đại diện Samsung cho rằng, người lao động Việt Nam cần phải nhận thức được việc tự nâng cao năng lực, tự học hỏi để vươn lên, chủ động nắm bắt các kỹ năng công nghệ mới nhằm đáp ứng được yêu cầu của các công việc mới.