Hoàn thành vượt mức các mục tiêu
Ông Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết, Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ, thuộc quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW và Kết luận số 26-KL/TW, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự và phát biểu tại hội nghị |
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004-2008 là 10,73%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Năm 2004, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng đạt 32,6%; dịch vụ đạt 41,9%; nông, lâm, ngư nghiệp đạt 25,5%. Đến năm 2018, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng lên 57,2%; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,9%. “GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng (năm 2004) lên 77,7 triệu đồng (năm 2018), gấp 13 lần, tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 đạt 2.000 USD/người/năm)” - ông Vũ Hồng Bắc khẳng định.
Đáng chú ý năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,224 triệu USD, đến năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần. Năm 2018, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2004 đạt 432,2 tỷ đồng, năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần), tăng bình quân trên 26,3%/năm.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm. Cụ thể, về phát triển kinh tế: Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng cao. Các thành phần kinh tế được phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn thừa nhận về những tồn tại, hạn chế. “Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các ngành kinh tế chủ yếu sử dụng nhiều lao động; phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp”- ông Vũ Hồng Bắc bày tỏ.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị |
Bên cạnh những đánh giá khách quan về thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được, các đại biểu đã tập trung thảo luận; những khó khăn, hạn chế qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Thu hút FDI được đánh giá là điểm sáng lớn nhất trong bức tranh kinh tế của Thái Nguyên với nhiều dự án lớn, chất lượng tốt, hàm lượng khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó, năm 2018 tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 18 trong bảng xếp hạng PCI, so với năm 2017, tỉnh Thái Nguyên giảm 3 thứ hạng. “Tuy nhiên Thái Nguyên vẫn đứng thứ hai trong bảng xếp hạng chỉ số PCI các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.
Thời gian tới cần xây dựng Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế. Cụ thể, đối với phát triển công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đầu tư cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng giá trị gia tăng. Đây được xem như động lực chính của tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.
Riêng lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Thứ trưởng An cho rằng, cái yếu của nhiều tỉnh là không có doanh nghiệp trung tâm, nhưng đối với Thái Nguyên có Tổ hợp Samsung là một doanh nghiệp có sức lan tỏa tốt, nhất là về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã tạo điều kiện tốt, góp phần phát triển công nghiệp nói chung.
Đối với thương mại, theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An cần quan tâm đến phát triển hạ tầng thương mại, cụ thể là chợ nông thôn. Hiện Thái Nguyên có 104 chợ, chợ loại I và II chỉ có 14 chợ, còn lại 90 chợ loại III. “Thời gian tới cần đầu tư và xây dựng hệ thống chợ tốt hơn phục vụ đời sống nhân nhân. Sở Công Thương phải có trách nhiệm xây đề án và Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại” - Thứ trưởng lưu ý.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, ngành Công Thương dưới góc độ quản lý công nghiệp thương mại sẽ sát cánh với Thái Nguyên trong các chương trình phát triển công nghiệp, thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tập trung hơn vào phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự chuẩn bị nghiêm túc của tỉnh ủy Thái Nguyên trong việc triển khai tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị - một Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng trung du và miền núi Bắc bộ nói chung và đối với tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng nhất để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở quan trọng để các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, tỉnh ủy Thái Nguyên tiếp tục hoàn thiện Báo cáo về công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, Kết luận. Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 37- NQ/TW, Báo cáo cần làm sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng của tỉnh với tư cách là “cực tăng trưởng” của vùng; làm rõ quy mô khu vực FDI trong quy mô nền kinh tế của tỉnh; cần bổ sung làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung phát triển kinh tế tư nhân…
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao Bằng khen cho các nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Nghị quyết số 37 |
Theo đó, cần phân tích thêm các thách thức và cơ hội cho phát triển trong thời đại CMCN 4.0; công cuộc cải cách thể chế và kinh tế đang tiến hành; cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung; biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên… đối với địa phương nói riêng và đối với toàn vùng nói chung. “Đặc biệt là Thái Nguyên có lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ; nắm bắt cơ hội, tạo dựng môi trường, chuẩn bị tốt các điều kiện đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc”- ông Nguyễn Văn Bình nêu rõ.
Phân tích một cách kỹ lưỡng, khoa học các yếu tố về vị trí địa lý, địa hình, đất đai, điều kiện kết nối hạ tầng giao thông, trình độ phát triển… mặt khác, Thái Nguyên đã thuộc quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; do vậy, có thể xem xét việc chuyển Thái Nguyên ra khỏi vùng trung du và miền núi Bắc bộ để có môi trường và điều kiện phù hợp cho phát triển hay tập trung thêm nguồn lực để Thái Nguyên trở thành trung tâm phía Nam của vùng trung du và miền núi Bắc bộ, đóng vai trò động lực lan tỏa.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, đối với phát triển của từng ngành, lĩnh vực, cần xác định các ngành chủ lực, các sản phẩm chủ lực (đột phá và mũi nhọn); đồng thời cần nhấn mạnh hơn về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào đối mới, sáng tạo và tăng năng suất (ứng dụng những thành tựu của CM CN 4.0 và chuyển đổi số); khai thác các lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ và cần chú trọng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. “Cần các giải pháp căn cơ hơn để ưu tiên phát triển logicstic với lợi thế về địa kinh tế; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm nghèo đa chiều bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị về công nghiệp, nông - công nghiệp, du lịch theo địa phương và toàn vùng”- ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.