Việt Nam phấn đấu tiến đến thị trường các bon đầy đủ Thị trường các bon Việt Nam: Ngành kinh doanh mới “hút”nhà đầu tư |
Sáng 20/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo “Thị trường các bon rừng: kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường các bon rừng tại Việt Nam”. Sự kiện do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, Đại sứ quán Na Uy tổ chức.
Vẫn chưa tương xứng với tiềm năng
Thị trường các bon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy như là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng và nâng cao trữ lượng các bon từ các bể chứa các bon khác như đất than bùn và đất ngập nước.
Toàn cảnh Hội thảo |
Trong giai đoạn 2017 – 2019, thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường các bon rừng, với gần 400 triệu USD được tạo ra từ các giao dịch thị trường các bon tự nguyện toàn cầu. Ít nhất 5,9 tỷ USD đã được chi trả cho các dự án bồi hoàn các bon rừng trên toàn cầu và ít nhất 1,3 tỷ USD đã được các bên tăng cường để giải ngân hoặc ký hợp đồng để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, các giao dịch này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thực sự của ngành lâm nghiệp và chịu ảnh hưởng bởi các luật định quốc tế về vận hành cơ chế thị trường các bon và khung chính sách quốc gia.
Theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay các hình thức mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các bon trên thế giới rất đa dạng. Về giá mua bán tín chỉ các bon, đối với thị trường tự nguyện giá mua bán có thể thấp hơn mang tính chất là trao đổi, hỗ trợ nâng cao năng lực. Còn đối với thị trường bắt buộc thì tùy theo chính sách của mỗi quốc gia và ưu tiên mỗi quốc gia thì giá giao động có thể từ vài USD đến hàng trăm USD/1 tấn CO2 tùy theo tín chỉ các bon, lĩnh vực ưu tiên cũng như các hoạt động hỗ trợ sẽ hướng nguồn lực này sẽ đầu tư cho việc trồng rừng, phục hồi rừng hoặc hỗ trợ cộng đồng nâng cao sinh kế để giảm thiểu tác động làm suy thoái rừng.
Đối với Việt Nam các hoạt động về tự nguyện hiện nay đối với tài nguyên rừng tự nhiên là tài sản của Nhà nước, rừng tự nhiên này được giao cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Còn đối với những công ty mua bán theo giá đơn giá thị trường thì sẽ đàm phán cụ thể để đảm bảo bồi hoàn lại những giá trị đầu tư của người trồng rừng hoặc là đầu tư của ngân sách nhà nước đã hỗ trợ.
Ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp đã cùng nhau phân tích thực trạng, xu hướng tương lai của thị trường các bon rừng, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác về cách thiết lập và vận hành thị trường các bon rừng, hiện trạng và định hướng thị trường các bon rừng tại Việt Nam để từ đó đề xuất xây dựng lộ trình thị trường các bon rừng Việt Nam.
Theo ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững Việt Nam, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực giảm phát thải nhờ việc quản lý và bảo vệ rừng. Thương mại các bon trong lâm nghiệp cũng đã được thực hiện ở vùng Bắc Trung bộ trong giai đoạn 2018 - 2025 với thỏa thuận chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Quỹ Đối tác các bon trong Lâm nghiệp (FCPF).
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Ý định thư năm 2021 về giảm phát thải, thực hiện ở vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên trong giai đoạn từ 2022 - 2025, tập trung vào giảm phát thải từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng. Ở đây, Việt Nam dự kiến chuyển nhượng khoảng 5,2 triệu tấn CO2.
Ông Phương đánh giá, các chính sách cam kết mạnh mẽ thúc đẩy giảm phát thải và tăng cường hấp thụ các bon và các giải pháp giảm nhẹ thiên tai dựa vào lâm nghiệp được ưu tiên thực hiện nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, các chương trình thương mại các bon trong lâm nghiệp hiện nay là các chương trình hỗ trợ có điều kiện do thiếu các khung pháp lý.
Cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại các bon
Bà Phạm Thu Thủy - Giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, Năng lượng tái tạo và phát triển các bon thấp toàn cầu (Tổ chức Cifor - Icraf) - cho biết, từ sau COP26 và COP27 có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tìm đến Việt Nam với mong muốn đầu tư vào thị trường các bon. Tuy nhiên, một trong những vấn đề các doanh nghiệp lo ngại đó là chưa có hành lang về pháp lý.
Để thúc đẩy thị trường các bon, bà Thủy cho rằng, cần có chính sách và phối hợp đa ngành để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến phát rừng và suy thoái rừng. Trao đổi thông tin, thúc đấy hợp tác quốc tế và tham gia của các liên minh quốc tế.
Bên cạnh đó, cần kết hợp nhiều công cụ chính sách. Cụ thể, các chính sách cho từng đối tượng như người sử dụng đất, người mua, các cơ quan nhà nước, người cung ứng trong chuỗi hàng hóa, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư, các tổ chức dân sự xã hội, người dân tộc thiểu số. Cùng với đó là các chính sách tạo điều kiện đầu vào gồm môi trường pháp lý và đầu tư rõ ràng, ổn định, tăng cường thực thi pháp luật và cơ chế khuyến khích.
Các chính sách và hỗ trợ thay đổi hành vi gồm: cơ chế khuyến khích tài chính, cơ chế xây dựng các động lực phi tiền mặt; hạn chế lượng sử dụng, ghi nhận quyền, gắn kết quyền lợi và trách nhiệm. Ngoài ra, bà Thủy cho rằng, cần xác định phân khúc thị trường dựa vào ưu thế cạnh tranh và quy mô để đạt được các mục tiêu.
Ông Vũ Tấn Phương cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy thương mại các bon trong lâm nghiệp đối với thị trường các bon trong nước và quốc tế. Ngoài ra, cần xây dựng các tiêu chuẩn các bon cho các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ các bon, xây dựng năng lực về xây dựng dự án thương mại các bon và thực hiện MRV - công cụ để đánh giá chính xác hiệu quả của các dự án, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiến tới phát triển lĩnh vực năng lượng và giao thông theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Văn Minh - Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thị trường các bon trong nước gồm: các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon thu được từ cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế.
Theo lộ trình phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, từ nay đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các bon, các hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon. Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon… từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ các bon chính thức.
Những thỏa thuận giữa các quốc gia và bước tiến mới về Điều 6 tại COP27 quy định về nguyên tắc vận hành của thị trường các bon mang lại cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong việc thiết kế và thực hiện thị trường các bon rừng một cách hiệu quả, hiệu suất và công bằng. Việt Nam nên áp dụng con đường nào cho thị trường các bon rừng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững của quốc gia như các cam kết về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu là rất quan trọng nhưng vẫn là vấn đề lớn với nhiều nhà hoạch định chính sách và các nhà thực thi ở Việt Nam.